Những ngày này, ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, những bài ca chiến thắng vang lên từ mỗi ngôi nhà, ngõ xóm. Tròn 45 năm trôi qua kể từ mùa xuân 1975 lịch sử, và những ngày tháng hào hùng ấy vẫn luôn là niềm tự hào trong lòng những người con đất Việt.
Chương trình giới thiệu một số ca khúc đi cùng năm tháng của dân tộc Việt Nam.
Dinh độc lập - Thành phố Hồ Chí MInh
|
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập là người khởi xướng phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe của sinh viên, học sinh Sài gòn trước 1975, và cũng có nhiều ca khúc được phổ biến rộng rãi trong giai đoạn đó. Ông chia sẻ: "Tôi vinh dự được sống trong những ngày tháng chiến tranh, ngay giữa sào huyệt của địch là các đô thị miền Nam. Tôi cũng như nhiều nhạc sĩ trong Hội nhạc sĩ VN đã hình thành phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe, giống như phong trào Tiếng hát át tiếng bom ở vùng giải phóng. Tham gia phong trào này gồm các nhạc sĩ, cũng là chiến sĩ luôn vì họ đáng sáng tác và hát ngay trong lòng địch, hát giữa những cuộc biểu tình, những hội thảo, những đêm không ngủ… Khi những bài hát được sáng tác ra, mọi người cùng truyền miệng và lan tỏa thành phong trào rộng lớn để chống lại kẻ thù. Các bài hát của chúng tôi khi ấy được cả các sinh viên du học tại nước ngoài và đồng bào việt kiều ở đó chép lại, tổ chức những buổi biểu diễn Hát cho đồng bào tôi nghe ở hải ngoại".
Nói về ca khúc "Hướng về quê hương độc lập", nhạc sĩ Tôn Thất Lập nhớ lại: Khi đó đang ở Paris, Pháp, ông nhận được tin chiến thắng từ quê nhà. Tối hôm ấy, Hội Người Việt Nam ở Pháp, bạn bè quốc tế đã mở dạ hội mừng chiến thắng, và bài "Hướng về quê hương độc lập" ông vừa sáng tác cùng nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo được hát ngay trong dạ hội.
Những ngày tháng không thể nào quên đã để lại dấu ấn đậm nét, là động lực, niềm tự hào với nhiều thế hệ người dân Việt Nam. NSND Trung Kiên chia sẻ: "Chúng tôi thuộc lớp ca sĩ được trưởng thành trong gian khổ của một cuộc chiến đấu rất ác liệt và rất hào hùng. Cái tôi còn giữ lại được đến bây giờ, đó là giọng hát. Tôi muốn hát những ca khúc để gợi lại cho những người đã từng đi qua cuộc kháng chiến đó, và cả lớp thanh niên sau này tình cảm sâu nặng đối với đất nước khi nghe những giai điệu tự hào".
Ca khúc "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người" của nhạc sĩ Trần Kiết Tường ra đời vào những năm 60 của thế kỷ trước, đã trở thành một trong những ca khúc xuất sắc nhất của nền âm nhạc VN viết về vị lãnh tụ của dân tộc – người đã lãnh dạo nhân dân Việt Nam giành lại độc lập, tự do của Tổ quốc. Để đến một ngày, chúng ta được hát vang Bài ca thống nhất, bài ca của cuộc sum họp toàn dân tộc. Ngày 30/4/1975, ngày mà mơ ước mấy chục năm, ý nguyện của hàng chục triệu người dân Việt Nam khi ấy trở thành hiện thực.
Nhạc sỹ Võ Văn Di viết "Bài ca thống nhất" không chỉ nói về ngày 30/4 lịch sử, mà đó như một sự kiện khởi đầu để đi tới mong ước và khát vọng một đất nước mạnh giàu, có sự chung tay, sự hòa đồng không chỉ các thế hệ đã đi qua chiến tranh mà của những người con ngày hôm nay được sống trong thời khắc hòa bình này...