Tiến sĩ Hoàng Xuân Bình phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp châu Âu lần thứ XI
|
Đây có là cơ hội vàng lần thứ 3 cho các doanh nghiệp Việt kiều châu Âu sau cơ hội chuyển đổi kinh tế thị trường các nước Đông Âu (1990-2004) và hội nhập EU các nước Đông- Tây (2005-2020).
Sau nhiều năm đàm phán và chờ đợi, EVFTA đã đi vào thực tiễn. Đây là thành công lớn của Việt Nam, cũng là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp khi nhiều nước chưa được EU trao cho cơ chế này. EVFTA giúp giảm thuế xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa cả hai phía Việt Nam và EU. Với sức ép của EVFTA, các doanh nghiệp Việt phải khẩn trương hoàn thiện để có sản phẩm đủ chứng chỉ vào EU hay cạnh tranh với các sản phẩm EU ngay tại Việt Nam.
Hiện kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và EU năm 2019 đã đạt 56,4 tỷ USD với mức tăng trưởng cao hằng năm. Tuy nhiên các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu là sản phẩm thô nguyên liệu hay gia công, còn ít sản phẩm thương hiệu Việt. Với các sản phẩm mới vào được EU là rất khó do các nước thành viên có ngôn ngữ, văn hóa tiêu dùng khác nhau. Nhưng Việt Nam cũng có những thuận lợi từ kinh nghiệm của Hiệp định Thuơng mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) có hiệu lực từ 5/10/2016, cũng như xu hướng kinh doanh trực tuyến ngày càng phổ biến tại Việt Nam và EU.
Một lợi thế của Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực là Việt Nam hiện đang có hàng vạn doanh nghiệp Việt kiều ở EU, nhất là các trung tâm thương mại của người Việt với hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, bán buôn, dịch vụ. Các doanh nghiệp này là doanh nghiệp EU có kinh nghiệm kinh doanh, am hiểu thị trường, pháp luật, ngôn ngữ nước sở tại và cũng là cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam, EU.
Với cơ hội của EVFTA, các doanh nghiệp Việt kiều châu Âu cần định hướng lại phương thức kinh doanh để phát triển và góp phần tăng trưởng xuất nhập khẩu Việt Nam - EU. Hai hướng chính cho doanh nghiệp Việt kiều là trực tiếp xuất khẩu hàng EU về Việt Nam và hỗ trợ nhập khẩu hàng Việt Nam sang EU. Tại Việt Nam, các thương hiệu châu Âu luôn được yêu thích và tin tưởng, nhất là khi mức sống của người dân ngày càng tăng và hiện nay có nhiều hàng chất lượng kém ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường. Gần đây phát triển mô hình thành lập các điểm bán hàng tiêu dùng của EU tại Việt Nam. Doanh nghiệp Việt kiều trực tiếp đầu tư, cung cấp hàng định kỳ từ EU về cho người thân để mở các điểm bán hàng trực tuyến hay bán trực tiếp cho người tiêu dùng tại địa phương. Ưu điểm của mô hình toàn dân này là việc đầu tư vốn nhỏ, dễ triển khai, có lợi cho cả doanh nghiệp Việt kiều cùng người thân tại Việt Nam. Tuy nhiên mô hình này cũng có khó khăn do doanh nghiệp Việt kiều là doanh nghiệp nhỏ khó có nguồn hàng ổn định, phong phú và phải gom hàng từ nhiều nước EU.
Để có thể tham gia xuất khẩu từ EU về Việt Nam ổn định, lâu dài, cũng như hỗ trợ cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho nhiều doanh nghiệp Việt kiều, các doanh nghiệp Việt kiều uy tín ở các nước và các trung tâm thương mại Việt Nam tại EU nên sớm hợp tác thành lập các trung tâm hàng EU xuất khẩu về Việt Nam hay trở thành đại lý cho các doanh nghiệp bản địa. Ở chiều ngược lại, với các doanh nghệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, nên hợp tác cùng doanh nghiệp Việt kiều để xuất hàng sang EU. Doanh nghiệp Việt kiều có thể giúp tìm hiểu thị trường, marketing sản phẩm thì sẽ tiết kiệm được chi phí về nhân lực, cơ sở vật chất và trở thành đại lý phân phối sản phẩm. Với các doanh nghiệp lớn, có tiềm năng tài chính, có vùng nguyên liệu, thì có thể hợp tác cùng doanh nghiệp Việt kiều đầu tư sản xuất, lắp ráp, đóng gói sản phẩm của mình tại EU. Các sản phẩm này vừa phân phối tại EU vừa dễ xuất khẩu sang các thị trường khác. Với các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh đồng bằng, miền núi có nhiều doanh nghiệp nhỏ, làng nghề, cần sớm nghiên cứu, hỗ trợ cho các doanh nghiệp hợp tác với các doanh nghiệp Việt kiều thành lập các trung tâm hàng xuất khẩu của địa phương tại EU nhằm giúp doanh nghiệp xuất khẩu và quảng bá cho các tỉnh.
Trong giai đoạn đầu của EVFTA, rất cần sự hợp tác giữa chính quyền các cấp, các tổ chức doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức doanh nghiệp Việt kiều, cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước châu Âu, trong đó có vai trò quan trọng của thương vụ Việt Nam tại các nước ở đây. Đây chính là chìa khóa hỗ trợ, xây dựng niềm tin cho các doanh nghiệp Việt Nam hai phía nhằm tận dụng cơ hội của EVFTA để phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển đất nước.
TS. Hoàng Xuân Bình
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp VN tại Ba Lan