Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1-2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội. Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương trả lòi phỏng vấn về việc tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân về dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Phóng viên: Xin ông đánh giá ý nghĩa của việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng?
Ông Nguyễn Phước Lộc: Thực hiện Kế hoạch số 21-KH/BDVTW của Ban Dân vận Trung ương về tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Quyết định số 597-QĐ/BDVTW của Trưởng Ban Dân vận Trung ương về việc thành lập Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Ban Dân vận Trung ương đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức 24 cuộc lấy ý kiến nhân dân góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Qua đó, lấy ý kiến đại diện các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, chức sắc tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, các tầng lớp công nhân, người lao động, nông dân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi. Điều đó cho thấy sự công phu, bài bản, trí tuệ, dân chủ và cầu thị, thể hiện được “ý Đảng, lòng Dân”.
Các góp ý của đại diện các tầng lớp nhân dân thể hiện sự tâm huyết, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng, nhân dân, đất nước. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện tinh thần cầu thị, dân chủ ngày càng cao của Đảng, nhân dân và xã hội, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân tham gia vào quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Điều này cũng thể hiện được chiều sâu của sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với Đảng, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phóng viên: Thưa ông, trong quá trình tổ chức tiếp thu ý kiến góp ý của các tầng lớp Nhân dân, những vấn đề nào được người dân quan tâm trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng?
Ông Nguyễn Phước Lộc: Trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, trọng tâm là dự thảo Báo cáo chính trị, vai trò của nhân dân được đặc biệt đề cao: “Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Quyền làm chủ của nhân dân được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực quan trọng của đất nước như: Tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức; phát triển kinh tế; quản lý và tự quản xã hội; xây dựng, quản lý, thụ hưởng văn hóa; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, ngoại giao nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân.
Đường lối, chủ trương trong Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo nền tảng chính trị, pháp lý để nhân dân thực hiện quyền làm chủ; hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo phải tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân thông qua các cơ chế dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp. Đây là định hướng rất quan trọng đối với việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân thực hiện hiệu quả hơn quyền làm chủ thông qua tổ chức đại diện, hướng nhân dân vào việc tham gia hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống chính trị phải thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm đối với nhân dân. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân sẽ góp phần tăng cường đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Từ những đánh giá trên, có thể nói, cơ chế và phương thức thực hành dân chủ và tuân thủ pháp luật của nhân dân luôn luôn gắn liền với vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, dự thảo Báo cáo chính trị đã xem: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội” là một trong 12 định hướng phát triển đất nước.
|
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương trao đổi với các cán bộ đoàn chủ chốt, thanh niên tiêu biểu tại Hội nghị góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng do Trung ương Đoàn tổ chức - Ảnh: PC
|
Đồng thời, dự thảo Báo cáo nhấn mạnh: “Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội” là một trong 9 mối quan hệ lớn cần tiếp tục nắm vững và xử lý tốt. Như vậy, tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội gắn liền với thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân.
Về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, dự thảo Báo cáo chính trị đã chỉ ra các định hướng nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân như: Thực hiện tốt, có hiệu quả trong thực tế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt, dân chủ cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; tổ chức Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ công chức, viên chức phải nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội; đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước.
Trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những định hướng và giải pháp nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân được đề ra trong mục này khá toàn diện, cụ thể và có điểm mới mà trước đây chưa đề cập đến như đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước; Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ. Nhân dân đánh giá cao và đồng tình với nhận định này.
Quyền của nhân dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội, phải đặc biệt coi trọng việc tổ chức thi hành pháp luật. Tăng cường hơn nữa chất lượng, hiệu quả trong việc xây dựng pháp luật gắn với thực tiễn của đời sống xã hội, cần có cơ chế bảo đảm thực hiện tốt hơn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để nâng cao hơn nữa năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội, giám sát cộng đồng của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội. Theo đó, nhanh chóng thể chế quan điểm này thông qua việc xây dựng luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc tổ chức thi hành pháp luật được Hiến pháp năm 2013 dành 6 Điều để quy định trách nhiệm của cá nhân và cơ quan, tổ chức trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống nhưng chưa được coi trọng. Đến nay, chưa có luật về tổ chức thi hành pháp luật. Vì vậy, cần bổ sung một trong những tồn tại hạn chế là “tổ chức thi hành pháp luật chưa được coi trọng”. “Tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật” là một trong những giải pháp tiếp tục phát huy dân chủ tuân thủ pháp luật và kỷ cương của người dân vào dự thảo Báo cáo chính trị. Các ý kiến quan tâm nhiều đến việc nhanh chóng thể chế chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật là một việc đặc biệt quan trọng để chủ trương của Đảng được triển khai thuận lợi, toàn diện và hiệu quả trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, nhân dân quan tâm, ủng hộ, đồng tình, đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng; mong muốn trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng và kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể về phòng, chống tham nhũng, thiết thực góp phần tham gia xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Nhân dân cũng quan tâm và đóng góp nhiều giải pháp cụ thể ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho 3 chương trình đột phá, vì mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững, cốt lõi là phục vụ nhân dân; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến xác đáng cho các giải pháp thực hiện “ý chí, khát vọng phát triển đất nước” tạo sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới.
|
Ban Dân vận Trung ương đã phối hợp tổ chức 24 cuộc lấy ý kiến nhân dân góp ý các dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng - Ảnh: PC
|
Phóng viên: Công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong tình hình mới, đặc biệt trước những mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng sẽ thảo luận và thông qua, xin ông cho biết những định hướng lớn trong việc thực hiện đổi mới phương thức công tác dân vận của Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới?
Ông Nguyễn Phước Lộc: Thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi tác động đến quá trình phát triển đất nước và cuộc sống của nhân dân. Để góp phần thực hiện mục tiêu “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, công tác dân vận phải tiếp tục được đổi mới, động viên mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, chung sức, chung lòng cho những mục tiêu chung của đất nước.
Đồng thời, quan tâm đến cuộc sống, quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, giảm khoảng cách giàu - nghèo, đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, quan tâm các đối tượng yếu thế trong cuộc sống, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ, đảng viên.
Tất cả nhiệm vụ của hệ thống chính trị phải hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, công tác dân vận gắn liền với công tác xây dựng Đảng, gắn liền với sự nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc phục vụ nhân dân.
Bên cạnh đó, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, tạo đồng thuận xã hội, đảm bảo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông.