Thành công bước đầu trong xây dựng nông thôn mới ở thành phố Hồ Chí Minh

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Sau ba năm triển khai, bức tranh nông thôn mới ở các xã được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi rõ nét. Nhiều mô hình làm ăn hiệu quả được triển khai, thu nhập của người dân được nâng cao, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển.
(VOV5) - Sau ba năm triển khai, bức tranh nông thôn mới ở các xã được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi rõ nét. Nhiều mô hình làm ăn hiệu quả được triển khai, thu nhập của người dân được nâng cao, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển.



Thành công bước đầu trong xây dựng nông thôn mới ở thành phố Hồ Chí Minh  - ảnh 1

Nâng cấp hệ thống lưới điện về vùng nông thôn ở TP. Hồ Chí Minh
(Ảnh: K.V)


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Năm 2010, thành phố Hồ Chí Minh chọn 5 xã: Nhơn Ðức (Nhà Bè); Xuân Thới Thượng (Hóc Môn); Thái Mỹ (Củ Chi); Tân Nhựt (Bình Chánh) và Lý Nhơn (Cần Giờ)  để thực hiện chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới. Tính cả Tân Thông Hội (Củ Chi) do Ban chỉ đạo trung ương chọn thì gần như trong cùng thời điểm, thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 6 xã.     


Xã Lý Nhơn là một xã vùng sâu vùng xa của thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm huyện Cần Giờ 70 km là xã đầu tiên được thành phố được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã đã triển khai xây dựng chương trình xây dựng nông mới theo từng giai đoạn. Lý Nhơn đã quyết định chọn đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp các tuyến giao thông như: trục đường chính liên xã dài hơn 20 km, 4 tuyến đường liên ấp và giao thông thủy lợi liên vùng dài trên 12 km.  Ðể mở rộng, nâng cấp đường giao thông, 984 hộ dân ở xã Lý Nhơn tự nguyện hiến 250.000 m2 đất với tổng giá trị hơn 20 tỷ đồng. Toàn xã đã có hơn 7.000 hộ dân hiến đất để mở đường, xây trường học, trạm y tế... với tổng diện tích 725.800 m2, trị giá hơn 615 tỷ đồng.  Những công trình này đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Điển hình như tuyến đường Gốc Tre khi được nâng cấp đã tạo điều kiện cho nông dân nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất trên diện tích hơn 1.000 ha nuôi tôm. Đa số các công trình xây dựng khi đi vào hoạt động cũng đã phát huy trong phát triển sản xuất và đời sống nhân dân, từ đó nâng cao thu nhập của người dân và giảm nghèo bền vững. Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch huyện Cần Giờ, chia sẻ kinh nghiệm: Chúng tôi đề xuất lộ trình thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 được thực hiện đến 2015 với mục tiêu xây dựng các xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố. Giai đoạn tiếp theo là sau 2015 đến năm 2020, đây là thời kỳ củng cố, nâng cao chất lượng xây dựng trình nông thôn mới  phát triển kinh tế năng động, xã hội hài hoà  và huyện Cần Giờ bước vào thời kỳ đầu trở thành Trung tâm du lịch sinh thái của cả nước và quốc tế.

 

Với đặc thù là những vùng ven của thành phố lớn, một số xã ở ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh có điều kiện thuận lợi trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ví như ở Xuân Thới Thượng thuộc huyện Hóc Môn ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh, trước khi triển khai chương trình, xã đã có hệ thống thủy lợi khá hoàn chỉnh; một hợp tác xã Nông nghiệp- Dịch vụ đang hoạt động, điện lưới đã phủ đến hầu hết hộ dân và xã đã có trạm y tế đạt chuẩn, có Bưu điện văn hóa; một bộ phận nông dân làm ăn hiệu quả... Ðây là kết quả của các chương trình điện khí hóa nông thôn, xây dựng đường giao thông, kênh mương thủy lợi; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đầu tư các xã nghèo ngoại thành... của thành phố từ những năm trước đó, do vậy tiến trình xây dựng nông thôn mới tiến hành khá thuận lợi và đạt thành công bước đầu. Ông Bùi Ngọc Quý, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Tân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cho rằng: Muốn bộ mặt nông thôn thay đổi về chất, việc nâng cao trình độ học vấn, đào tạo nghề mới cho nông dân giữ vị trí quan trọng: Trước hết là chúng tôi tổ chức các lớp học nghề miễn phí ngay tại xã để thu hút mọi người dân tham gia nhiều hơn. Thứ 2 tăng cường giao chỉ tiêu cho các đơn vị  địa phương cụ thể để có thể tiếp cận trực tiếp với người dân và vấn đề thứ 3 là tập trung đào tạo ngành nghề phù hợp với đặc điểm địa phương, việc đào tạo phải gắn với công ăn việc làm và lược lượng lao động cụ thể.

            

Sau 3 năm thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới, 6 xã của Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được gần 1000 công trình, trong đó có khoảng 240 công trình giao thông, trên 100 công trình thủy lợi, xóa được 430 căn nhà dột nát với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, trong đó 34% là nguồn đóng góp từ nhân dân. Đến nay ngoài 2 xã Tân Thông  Hội và Thái Mỹ đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, 4 xã còn lại cũng đã đạt 17/19 tiêu chí. Hiện nay, tại các xã xây dựng nông thôn mới, diện tích cây lúa được thu hẹp, đất trồng lúa chuyển qua trồng hoa màu, lợi nhuận tăng lên nhiều lần. Các mô hình trồng hoa lan, cây kiểng, nuôi bò sữa, làng nghề truyền thống cũng được nhân rộng, giúp người dân tăng thu nhập, khiến người dân rất phấn khởi. Ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó trưởng ban kinh tế ngân sách, Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định: Chủ trương mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là đúng đắn, hợp lòng dân và được sự đồng thuận từ nhân dân. Thành công trong chương trình xây dựng nông thôn mới đòi hỏi vai trò tam gi của các đơn vị, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng và chú trọng trong công tác đào tạo  cán bộ ở có sở. Tôi cho đây là các yếu tố có ý nghĩa quan trọng trong việc nhân rộng mô hình xây dựng nông thôn mới.


Qua 3 năm thực hiện, chủ trương xây dựng nông thôn mới đã khơi gợi và phát huy nội lực nhân dân tại các địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nhân rộng mô hình nông thôn mới ra 50 xã còn lại để đến năm 2015 tất cả 56/56 xã của thành phố cơ bản đạt 19 tiêu chí nông thôn mới./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu