Nông dân xã Trường Thành bàn cách giúp nhau làm giàu

Phạm Hải- Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Học để áp dụng vào sản xuất, khi thành công cùng nhau chỉ dẫn người khác để cùng làm giàu. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Những người nông dân xã Trường Thành, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, đã có nhiều ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi  và chất lượng nông sản, thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Những nông dân này cũng tích cực tích cực học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu với nhau. Đây là những phẩm chất mới của người nông dân Việt Nam thời kỳ hội nhập.

Ông Châu Văn Tính, gần 70 tuổi, ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai, đang  ngồi nhâm nhi cà phê với những người bạn và kể về câu chuyện được tham gia lớp tập huấn tin học, được hướng dẫn cách trồng, canh tác và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây ăn trái. Gia đình ông có hơn 8.000 m2 đất chuyên trồng cây ăn trái.

Nông dân xã Trường Thành bàn cách giúp nhau làm giàu - ảnh 1 Mỗi năm Cần Thơ đưa ra thị trường gần 100.000tấn trái cây các loại. - Ảnh: VOV

Trước đây, mỗi lần đến vụ thu hoạch, ông phải chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm, giá bán mỗi lúc một bấp bênh. Trong canh tác, thường ông thấy cây có bệnh thì phun thuốc, thiếu phân thì bón. Nhưng phun thuốc và bón phân  nhiều năng suất tăng đâu không thấy mà chỉ thấy tăng thêm chi phí sản xuất. Mấy chục năm qua, ông Tính cũng chưa lần nào nghĩ tới chuyện thay đổi tư duy sản xuất từ cái hiện có sang cái thị trường cần.

Tuy nhiên, khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật canh tác do địa phương tổ chức, ông nhận thức được nếu muốn tồn tại cần thay đổi tư duy sản xuất, phải nắm bắt nhu cầu thị trường, canh tác những loại cây thị trường cần. Hơn hết là phải ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra để thị trường đón nhận.

Giờ ngồi lại với nhau những ngày đầu xuân Canh Tý, ông Tính cùng một số lão nông khác lại bàn về câu chuyện về chỗ đứng của trái cây, trước những thách thức và cơ hội đặt ra, khi thị trường mỗi lúc một khắt khe về tiêu chuẩn: “Thay vì hồi đó mình sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bừa bãi, bây giờ mình biết lại rồi. Khi mà món hàng, sản phẩm mình đem ra kiểm nghiệm lại nếu mình bị dư thừa chất độc thì người ta không có mua, thì bây giờ mình học cái này để biết, thì cái đó là cái tốt. Tôi đi học để mình biết nhiều công chuyện để mình sử dụng, ví dụ như bây giờ tôi dùng phân không có độc, hay phân hữu cơ hay gì đó mình học để biết.”

Nông dân xã Trường Thành bàn cách giúp nhau làm giàu - ảnh 2Vùng ĐBSCL mỗi năm đóng góp tới 65% xuất khẩu trái cây của cả nước. - Ảnh: VOV 

Nắm bắt thị trường để đưa sản phẩm tiến xa hơn, đó là điều mà ông Nguyễn Văn Nhen, ở huyện Thới Lai, chia sẻ trong cuộc trà dư tửu hậu. Ông cho biết, việc tập huấn đã làm thay đổi tư duy sản xuất của ông mấy chục năm qua, không chỉ nắm bắt nhu cầu thị trường, giá cả mà ông còn nhận thức được sự thay đổi là để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận. Khi đó mới khẳng định được thương hiệu trái cây làm ra, vì thị trường hiện nay đã mở cửa đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn, nếu không đáp ứng được yêu cầu thì khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm ngoại nhập tràn về:

“Mình áp dụng vào miếng vườn của mình có hiệu quả cao, mình tìm hiểu trên mạng thì nó có thể rộng rãi áp dụng cho bản thân mình tốt hơn. Cũng như mình tìm thứ nhất là giá cả, thứ hai là xuất khẩu về nước nào, rồi những kỹ thuật, hiệu quả về kinh tế, thu nhập của mình rồi đầu ra. Cho nên mình tìm trên mạng thì nó xa hơn, về góc độ địa phương mình thấy vòng vòng thành ra thu nhập của mình thứ nhất là nó không cao, thứ hai là giá mình bán không có đạt.”   - Ông Nhen nói.

Học để áp dụng vào sản xuất, khi thành công cùng nhau chỉ dẫn người khác để cùng làm giàu. Với nông dân Trịnh Hoàng Thôi, điều mà ông trăn trở là được tham gia lớp tập huấn hơi muộn, từ khi được tập huấn ông mới biết cách sử dụng máy tính, biết đến thị trường và biết được loại trái cây đang canh tác được người tiêu dùng và thị trường đón nhận ra sao, từ đó thay đổi sản xuất để không còn phải lo cảnh giá cả mỗi khi đến vụ thu hoạch.

Ông Thôi cho rằng, thay đổi tư duy sản xuất là nhu cầu cần thiết đối với người nông dân, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng mà thu nhập tăng lên, khi đó sản phẩm làm ra khẳng định được thương hiệu và phát triển: “Học hỏi để biết trao đổi hàng hóa, giá cả thị trường lên xuống, hơn nữa kỹ thuật mình trồng cho có hiệu quả để sản xuất được nông nghiệp sạch thì mình bán giá trị nó tăng hơn mức lợi nhuận mình làm thường như bà con. Nhờ kiến thức để tìm hiểu thêm cho bản thân mình, mình hiểu biết được thì mình cũng dẫn dắt bà con làm tốt hơn.”

Vùng đồng bằng sông Cửu Long đóng góp tới 65% xuất khẩu trái cây của cả nước, nhiều loại trái cây đã rộng cửa vào những thị trường khó tính, một số loại trái cây được một số thị trường đánh giá ngon hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Thành phố Cần Thơ là trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm đưa ra thị trường hơn 100.000 tấn trái cây các loại, để nâng cao đời sống và khẳng định thương hiệu trái cây, thành phố đã mở nhiều lớp tập huấn cho nông dân để nắm bắt kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất.

Điều mà những nông dân như ông Tính, ông Nhen hay ông Thôi, không chỉ bàn câu chuyện học và ứng dụng kỹ thuật mới, mà còn là chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đó là những phẩm chất cần có của một nông dân Việt Nam thời đổi mới hội nhập.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu