Nông dân đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với mùa không lũ

Thanh Tùng
Chia sẻ
(VOV5) - Những năm gần đây, vùng đồng bằng sông Cửu Long không có lũ lớn, đời sống sản xuất của nông dân trong vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, đất đai bạc màu, thiếu nước vào mùa khô và tình trạng mặn xâm nhập. Để hạn chế những tác động tiêu cực của thiên tai, nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

(VOV5) - Những năm gần đây, vùng đồng bằng sông Cửu Long không có lũ lớn, đời sống sản xuất của nông dân trong vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, đất đai bạc màu, thiếu nước vào mùa khô và tình trạng mặn xâm nhập. Để hạn chế những tác động tiêu cực của thiên tai, nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp.


Nông dân đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với mùa không lũ - ảnh 1
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa 1 vụ màu tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Từ bao đời nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long được hình thành là nhờ lũ và làm phong phú hệ sinh thái ở vùng đất này. Đồng bằng sông Cửu Long trước đây từng là một trong những “túi” trữ nước của sông Mekong, mỗi khi lũ về mang phù sa bồi đắp làm đất đai màu mỡ, đồng ruộng tốt tươi, thủy sản dồi dào, cuộc sống người dân sung túc. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cùng với việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới vùng hạ nguồn sông Mekong. Trước tình hình đó, người dân đồng bằng sông Cửu Long đã tính tới việc chuyển đổi nghề. Ông Đỗ Văn Liệt, một người dân ở tỉnh Đồng Tháp từng vài chục năm gắn bó với nghề đánh bắt cá mùa lũ, cho biết: Tương lai là nghề đánh cá không phát triển được. Lũ thấp bây giờ phải nuôi lươn. Nhà nước cũng hỗ trợ ít vốn để chăn nuôi trâu bò.

Giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới đó là thay đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sử dụng tiết kiệm nước tưới, chuyển đổi ngành nghề phù hợp để thích nghi với tình hình không có lũ. Người dân trong vùng đồng bằng sông Cửu Long không thể mãi dựa hoàn toàn vào nguồn tài nguyên tự nhiên sẵn có, mà phải tổ chức lại sản xuất, phát triển các loại hình dịch vụ phi nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển từ tư duy phát triển theo diện tích, năng suất, sản lượng sang tư duy về giá trị và hiệu quả kinh tế đạt được trên đơn vị diện tích đất. Tiến sỹ Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Phù sa trên sông đang bị giảm nghiêm trọng do các đập thủy điện ở trên thượng nguồn cũng như các đập thủy điện trên các dòng nhánh sông Mekong. Lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long mấy năm gần đây giảm gần một nửa. Trong tương lai nếu đập thủy điện phát triển nữa thì lượng phù sa về đồng bằng sẽ ít hơn nữa. Phù sa mỗi năm bồi cho đất cao hơn là không còn. Do đó phải hết sức cẩn trọng. 

Ngành nông nghiệp vẫn thường xuyên khuyến cáo nông dân ngoài dựa vào khai thác nguồn lợi tự nhiên có trong mùa lũ thì cần tự chủ trong nuôi trồng thủy sản để tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp triển khai nhiều mô hình, giải pháp giúp người dân “sống chung với không có lũ” như khuyến khích người dân phát triển mô hình nuôi lươn trong bể đất, nuôi ếch, cá đồng trong bè tre nhỏ, nuôi ốc ở chân ruộng… hay trồng những loại cây thủy sinh trên mặt nước như sen, rau nhút. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung, Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, cho rằng: Vấn đề chúng ta phải nghiên cứu từ trên thượng nguồn. Mặc dù đánh giá thích ứng cho đồng bằng sông Cửu Long nhưng phải nghiên cứu từ thượng nguồn sông Mekong. Xem những động thái người ta sử dụng nước như là mưa, thời tiết trên đó ra sao. Khi chuyện gì xảy ra từ thượng nguồn thì phải mất thời gian mới ảnh hưởng xuống phía dưới. Vì thế khi chủ động thì mình sẽ có thời gian chuẩn bị tốt.

Để chống chịu với biến đổi khí hậu, các địa phương tìm cách để chủ động nguồn nước mặt bằng các phương pháp như xây dựng các hồ chứa, kênh thoát lũ, đồng thời dự trữ nước ngầm.

Trước những thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra ở đồng bằng sông Cửu Long, hàng loạt các chính sách đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng như: hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị trên cánh đồng lớn, cơ cấu lại diện tích trồng lúa, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, cải thiện cơ cấu giống lúa… bước đầu đã đem lại hiệu quả. Hợp tác chặt chẽ, tăng cường trao đổi thông tin với các nước thượng nguồn sông Mekong để chủ động quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong. Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang có tầm nhìn mới về quy hoạch và quản lý để thích ứng với biến đổi khí hậu. Các địa phương tạo được các điểm trữ nước dọc các sông, kênh chính và các vùng sinh thải. Dân cư vùng lũ cũng chủ động chuyển đổi ngành nghề phù hợp để thích nghi với tình hình khi không có lũ. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu