Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu cao nhất là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn theo tiêu chí hạnh phúc. Nhờ sự đồng lòng của người dân, nhiều vùng nông thôn từ miền núi tới hải đảo ở Quảng Ninh, trong đó có xã miền núi Bình Khê, đã chuyển mình, trở thành vùng nông thôn kiểu mẫu.
Cuộc trò chuyện của 2 mẹ con bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn Phú Ninh, xã miền núi Bình Khê (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), diễn ra trong vườn cây cảnh của gia đình. Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết bước ngoặt kinh tế gia đình đến khi gia đình bà tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới: “Những năm trước, gia đình chỉ canh tác thuần nông thôi. Rồi có phong trào xây dựng nông thôn mới. Tôi mạnh dạn phá vườn vải, trồng cây thanh long ruột đỏ. Mấy năm nay, bà con ở đây chuyển sang làm giống cây mai vàng Yên Tử, rất phát triển, giá trị kinh tế cao, có nhà bán 900 triệu/cây mai. Mỗi năm, mỗi nhà thu khoảng 200 - 300 triệu, có năm 600-700 triệu, thậm chí có nhà thu được hơn 1 tỷ đồng.”
Ảnh minh họa: vov.vn |
Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng chỉ là một trong số nhiều hộ gia đình ở thôn Phú Ninh chuyển đổi thành công mô hình làm kinh tế. Cách đây 6 năm, khi thực hiện chương trình nông thôn mới kiểu mẫu, người dân thôn Phú Ninh, xã Bình Khê đã thay đổi cách làm nông nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nhiều nhà vườn áp dụng kỹ thuật cao từ chọn, ủ giống, điều chỉnh nhiệt, tưới tự động để cây sinh trưởng tốt, chất lượng cao. Bình Khê là vùng trồng hoa lớn nhất toàn thị xã Đông Triều với hơn 142 ha, tăng cường trồng những gốc mai Yên Tử được tạo thế đẹp mắt, cho giá trị kinh tế cao. Trong khi đó, việc trồng hoa màu cũng vẫn được chú trọng, các cánh đồng ở Bình Khê gần như được khai thác quanh năm với 3 vụ sản xuất, các loại giống mới, cho hiệu quả kinh tế cao.
Chăm chỉ sản xuất nhưng những người nông dân nơi đây vẫn không quên chăm lo cho diện mạo của thôn làng. Nhà nhà hiến đất để mở rộng đường, làm vỉa hè. Hai bên đường trong thôn trồng hoa hồng, hoa chiều tím…. Đường giao thông liên thôn, đường nội đồng giờ rộng rãi, sạch sẽ . Niềm tự hào của thôn là công viên cây xanh ngay cổng làng. Máy tập đa năng, ghế đá cây xanh là nơi tập thể dục, nghỉ ngơi, trò chuyện hằng ngày của người già và trẻ nhỏ.
Sân nhà văn hóa cũng là nơi sinh hoạt chung của mọi người. Vui nhất là thôn duy trì câu lạc bộ văn nghệ. Các tiết mục tự biên, tự diễn nhưng luôn ngập tràn tiếng cười.
Có được sự đổi thay này là do mọi việc thôn, làng đều được đưa ra bàn bạc để bà con cùng quyết định, từ đó đồng lòng tham gia.
Ông Trưởng thôn Trần Thế Sinh vẫn thường họp cơ sở như thế để triển khai từng việc trong thôn, từ vận động, đến nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của từng hộ dân cho đến chăm lo sản xuất, sinh hoạt cộng đồng: “Xây dựng nông thôn mới ở đây khá đặc biệt. Phú Ninh có 8 dân tộc, nhiều nhất xã. Về phong tục tập quán, đều có đặc thù riêng. Đầu tiên xây dựng khó khăn lắm. Ngại nhất là ý thức con người. Đoàn thể phải vận động từng bước, trường hợp nào khó thì gặp riêng, chứ hô hào chung thì chắc người ta cũng không theo. Thế nên, chúng tôi mới đạt được kết quả. So với trước đây, bây giờ tiến triển nhiều. Cây trồng chuyển đổi, đường xá bê tông hóa đạt 98%. Thu nhập của người dân Bình Khê đạt khoảng 90 triệu/người/năm.”
Cuộc sống đủ đầy, cộng đồng phát triển chính là niềm hạnh phúc của người dân xã Bình Khê, như lời sẻ chia của của bà Nguyễn Thị Hồng: “Nói về hạnh phúc thì rộng lắm, hạnh phúc hơn nữa thì không dám đòi hỏi nhưng đến giờ thì tôi thấy rất mỹ mãn. Gia đình đầy đủ trọn vẹn, đất quê linh thiêng, giàu tình cảm, đoàn kết, đầm ấm. Đối với người nông dân như tôi thấy rất là hạnh phúc.”
Cách thức xây dựng nông thôn mới cả về vật chất và tinh thần mà xã Bình Khê triển khai thời gian qua đã mang lại niềm hạnh phúc thật sự cho những người nông dân nơi đây.