Người dân Quảng Trị đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Đình Thiệu
Chia sẻ
(VOV5) - Trước đây, nói tới Quảng Trị là nhắc đến một trong những mảnh đất nghèo của miền Trung, nơi chịu hậu quả của chiến tranh và cũng thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Thế nhưng Quảng Trị ngày nay đã có nhiều đổi thay, nhất là ở khu vực nông thôn, nhờ vào sự chung sức, đồng lòng của người dân.
(VOV5) - Trước đây, nói tới Quảng Trị là nhắc đến một trong những mảnh đất nghèo của miền Trung, nơi chịu hậu quả của chiến tranh và cũng thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Thế nhưng Quảng Trị ngày nay đã có nhiều đổi thay, nhất là ở khu vực nông thôn, nhờ vào sự chung sức, đồng lòng của người dân.

Do điều kiện tự nhiên, từ nhiều năm nay, người dân vùng bán sơn địa xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, sống trong cảnh đò giang cách trở, họ phải vượt cả chục cây số mới tới được chợ ở thị trấn Hồ Xá. Nhìn cảnh bà con mình vất vả chở nông sản lên chợ huyện bán hàng ngày, cựu chiến binh Nguyễn Văn Nam, ở thôn Tiên An, xã Vĩnh Sơn, đã ấp ủ ý định xây chợ để mọi người có chỗ tập trung thu mua nông sản. Nghĩ là làm. Ông tình nguyện hiến phần đất 500 mét vuông của gia đình để làm chợ. Không những vậy, ông còn bỏ ra hơn 600 triệu đồng tích góp từ việc nuôi tôm để xây chợ cho người dân. Ròng rã 3 tháng, ông thuê mướn người san ủi mặt bằng, xây dựng ngôi chợ mới Tiên An, bố trí cho khoảng 100 hộ vào kinh doanh mua bán. Ông Nguyễn Văn Nam cho biết:“Quanh đây, trước kia đi chợ khó khăn lắm, phải qua đến Hồ Xá hoặc qua tận bên vùng Gio Linh. Thấy bà con vất vả quá nên tôi nghĩ ra làm cái chợ này để bà con thuận lợi và phát triển kinh tế”.


Người dân Quảng Trị đồng lòng xây dựng nông thôn mới - ảnh 1

Ngày chợ mới Tiên An đưa vào sử dụng, bà con xã Vĩnh Sơn ai cũng vui mừng vì còn phải đi sớm về muộn cho kịp buổi chợ xa. Nông sản làm ra được tiêu thụ dễ dàng, hàng hóa thiết yếu cũng không thiếu thứ gì. Khu vực chợ ngày trước vắng vẻ, nay đã mọc lên nhiều hàng quán, cửa hàng buôn bán nhộn nhịp. Ông Võ Văn Quân, ở thôn Tiên An, xã Vĩnh Sơn, bộc bạch niềm vui:“Chợ ở đây gần sông, gần đường, nhất là người già cả đi chợ mua cũng  gần. Bây giờ anh Nam tạo dựng ra chợ đây là tư tưởng rất đổi mới, rất nhiều người ở đây ngưỡng mộ”.


Nếu như ở Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, có người bỏ tiền xây chợ thì già làng Hồ Văn Bả, người dân tộc Vân Kiều ở xã Thanh, huyện miền núi Hướng Hóa, cũng không hề đắn đo khi hiến gần 2.000 mét vuông đất vườn để làm trường học. Ông Hồ Văn Bả chia sẻ bản làng của ông ở xa trung tâm, không có trường học, nhiều học sinh chết đuối thương tâm do lũ về bất ngờ khi đi qua suối. Khi xã phổ biến chủ trương xây dựng nông thôn mới, ông đồng ý nhường đất xây trường học. Bây giờ, ngôi trường mới khang trang 2 tầng mọc lên, hàng ngày nghe tiếng trẻ đọc bài, ông Bả thấy vui vì mình đã làm được điều có lợi cho quê nhà: “Hiện nay các cháu học tập trung ở đây, học bán trú dân nuôi. Tôi được thấy các cháu học sinh rất phấn khởi”.


Người dân Quảng Trị đồng lòng xây dựng nông thôn mới - ảnh 2

Thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, các công trình xã hội, phục vụ sinh hoạt chung của địa phương như điện, đường, trường, trạm... đều được xây dựng nhờ vào phần đóng góp đáng kể từ những người con Nại Cứu sinh sống ở khắp mọi miền Tổ quốc. Dù làm ăn xa nhưng họ vẫn luôn hướng về quê hương. Trong 5 năm qua, thôn Nại Cửu nhận được hơn 12 tỷ đồng tiền đóng góp của người dân để xây dựng quê hương. Ông Võ Văn Bắc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Triệu Đông, cho biết: “Nại Cửu là một trong những địa bàn huy động sức dân đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng như đường giao thông, cổng chào... Chúng tôi đã huy động được nguồn lực này”.


Hơn 3 năm triển khai chương trình nông thôn mới, các địa phương ở tỉnh Quảng Trị đã có nhiều cách làm sáng tạo. Bà con đã góp hàng chục tỷ đồng, hàng ngàn ngày công để xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, cho biết ở nhiều địa phương, các công trình được xây dựng nhờ vào nguồn đóng góp của bà con là chính:“Đây là chương trình người dân phải thực sự làm chủ. Điều hết sức quan trọng là sức sáng tạo, đăc biệt là trí tuệ của nhân dân đóng góp, tạo động lưc lớn từ cơ sở, tập trung thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới.”


Nhờ có sự đóng góp và hưởng ứng nhiệt tình của người dân, nhiều vùng nông thôn Quảng Trị đã có những phát triển rõ rệt. Người Quảng Trị đi xa về gần, ai cũng phấn khởi khi quê hương đã có nhiều đổi thay, đời sống người dân ngày một no đủ./.

 

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu