Mô hình nông nghiệp sạch lớn nhất tỉnh Yên Bái

Đình Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Mô hình này của công ty Cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp Bình nguyên xanh ở xã Tô Mậu, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái 

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Mô hình nông nghiệp sạch lớn nhất tỉnh Yên Bái - ảnh 1Mô hình nông nghiệp sạch lớn nhất Yên Bái - Ảnh: VOV.VN 

Đầu năm 2017, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp Bình nguyên xanh quyết định đầu tư khoảng 30 tỷ vào xây dựng mô hình nông nghiệp sạch khép kín tại xã Tô Mậu, huyện Lục Yên, Tỉnh Yên Bái, trong đó riêng phần hạ tầng chiếm một nửa số vốn. Đó là một hệ thống liên hoàn, gồm khu nhà chăn nuôi trâu bò rộng 3.000 nghìn mét vuông có mái che hiện đại, khu nuôi giun quế, 15 ha trồng cỏ; bên cạnh đó là hàng chục ha cam đặc sản...

Ông Trịnh Thanh Tùng, Giám đốc Công ty, cho biết: "Ngay từ đầu khi triểu khai chúng tôi đã tìm hiểu theo tiêu chuẩn VietGap. Về cái sản phẩm chăn nuôi thì từ khâu tuyển chọn con giống đến chăm sóc chúng tôi đều tiến hành theo quy định; cây cam thì chúng tôi nhập giống ở Viện Giống cây trồng Việt Nam, một phần thì được tuyển chọn từ  cây cam sành gốc ở huyện Lục Yên".

Mô hình nông nghiệp sạch lớn nhất tỉnh Yên Bái - ảnh 2 Mô hình nông nghiệp sạch lớn nhất Yên Bái. -Ảnh: VOV.VN

Hiện nay, mỗi năm, Công ty Bình nguyên xanh nuôi và xuất chuồng khoảng 1.000 con trâu bò. Các con giống khỏe mạnh, hình thức đẹp được lựa chọn rất kỹ, được đưa vào chăn nuôi trong chuồng thoáng khí, kết hợp với chăn thả ngoài hệ thống sân bãi và ao nước nhân tạo.

Tại đây, gia súc được tiêm phòng đầy đủ và chăm sóc theo một chế độ khoa học; thức ăn từ tinh đến thô đều được đảm bảo vệ sinh tuyệt đối... Chính vì vậy, sản phẩm chăn nuôi từ Bình nguyên xanh được khách hàng rất ưa chuộng. Những con trâu, bò nặng từ 300 đến 700kg với giá hơi có thời điểm lên tới 80.000 đồng/1kg, không chỉ phục vụ nội địa mà còn xuất ra nước ngoài.

Từ nguồn phân gia súc, qua các hệ thống xử lý sẽ cho ra loại mùn thích hợp để nuôi hàng nghìn mét vuông giun quế, có giá thành phẩm từ 30 nghìn/1kg trở lên; một lượng lớn còn lại được vận chuyển ra chăm sóc khoảng 100 ha cây cam của đơn vị này trồng ở huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) và huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang). Ông Trịnh Thanh Tùng cho biết: "Sản phẩm nông nghiệp của mình thì phải bền vững rồi. Ngay từ đầu khi xác định làm mô hình này chúng tôi đã tính là sẽ phải làm cái thương hiệu sản phẩm mình là sạch, theo tiêu chuẩn hữu cơ"

Ông Lương Văn Hùng, một nhân công làm thuê tại trang trại của Công ty Bình nguyên Xanh cho biết: Ngoài mức thu nhập ổn định khoảng 5 triệu đồng/1 tháng, ông còn học hỏi được nhiều kinh nghiệm chăn nuôi khoa học, khác hẳn với các chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu hiệu quả mà lâu nay người dân vùng cao vẫn áp dụng. "Mô hình này phù hợp với địa phương này, vì ở đây có đồng cỏ rộng nên cứ yên tâm mà làm thôi. Ăn thì chủ yếu cho ăn ngô thôi, còn phân thì xả ra bao nhiêu là tưới hết cho cây luôn".

Hiện nay, mô hình chăn nuôi trồng trọt của Công ty Bình nguyên xanh là mô hình nông nghiệp sạch lớn nhất tỉnh Yên Bái. Sản phẩm của công ty đang bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt là sản phẩm Cam sạch Lục Yên – Sơn Tùng. Nhiều tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận cũng đã đến tham quan, học tập để tìm hướng nhân rộng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu