Mô hình “Cánh đồng liên kết” ở Đồng Tháp góp phần xây dựng nông thôn mới

Thanh Tùng (VOV ĐBSCL)
Chia sẻ
(VOV5) - Trong sản xuất lúa gạo hiện nay, Đồng Tháp chọn hướng đi mới, đó là áp dụng mô hình “cánh đồng liên kết”. Với lựa chọn này, địa phương mong muốn gắn kết chặt chẽ nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu hơn là quan tâm đến quy mô sản xuất lớn hay nhỏ. Bên cạnh đó, nông dân tham gia mô hình sẽ biết được trồng cây gì, bán cho ai, bán ra sao. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng không còn phải lo chuyện mua ở đâu, của ai và mua như thế nào.

(VOV5) - Trong sản xuất lúa gạo hiện nay, Đồng Tháp chọn hướng đi mới, đó là áp dụng mô hình “cánh đồng liên kết”. Với lựa chọn này, địa phương mong muốn gắn kết chặt chẽ nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu hơn là quan tâm đến quy mô sản xuất lớn hay nhỏ. Bên cạnh đó, nông dân tham gia mô hình sẽ biết được trồng cây gì, bán cho ai, bán ra sao. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng không còn phải lo chuyện mua ở đâu, của ai và mua như thế nào.


Mô hình “Cánh đồng liên kết” ở Đồng Tháp góp phần xây dựng nông thôn mới - ảnh 1



Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Từ năm 2008, tỉnh Đồng Tháp đã lập đề án "Xây dựng cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại giai đoạn 2008 -2011" với mục đích hướng nông dân vào sản xuất hàng hóa tập trung, có giá thành hạ và sản phẩm chất lượng cao, an toàn, phục vụ người tiêu dùng và xuất khẩu. Những mô hình dồn ruộng, liên kết doanh nghiệp với nông dân có tên gọi "cánh đồng liên kết" ngày càng được mở rộng, nông dân bớt dần nỗi lo đầu ra cho hạt lúa...Sau ba năm triển khai thực hiện, mô hình đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, như số hộ dân tham gia vào mô hình tăng dần hằng năm; trình độ nhận thức và kỹ thuật sản xuất của nông dân được nâng cao; việc áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng từng bước được hiện đại hóa; năng suất và chất lượng lúa gạo ngày càng được nâng lên, sản xuất mang lại hiệu quả cao.

 

Từ năm 2011 đến nay, quy mô làm liên kết sản xuất lúa đã tăng nhanh ở Đồng Tháp. Năm 2011, toàn tỉnh mới tổ chức thực hiện liên kết được 2.400 ha, quy mô doanh nghiệp thu mua lúa khoảng 800 tấn. Đến 2012, quy mô tăng lên 17.000 ha. Đến thời điểm này, nhờ thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nên Đồng Tháp đã phát triển tới 145 cánh đồng liên kết, với diện tích sản xuất lúa chất lượng cao gần 54.000ha. Lợi ích thiết thực mà phương thức sản xuất liên kết mang lại là nông dân sản xuất lúa yên tâm hơn và lợi ích mang lại nhiều hơn. Tại Hợp tác xã Tân Tiến, huyện Tam Nông, nhiều xã viên Hợp tác xã cho biết việc xây dựng và phát triển cánh đồng liên kết, canh tác theo hành trình cây lúa khỏe được xã viên rất đồng tình. Bước đầu dự án cánh đồng liên kết với doanh nghiệp được xã viên hợp tác xã tham gia với diện tích 100 ha từ vụ hè thu năm ngoái. Anh Phạm Văn Sự, xã viên hợp tác xã Tân Tiến, cho rằng: Mấy vụ trước mình làm, xịt thuốc không đúng lúc. Năm nay là êm. So với vụ hè thu rồi, lợi nhuận mỗi công lúa là 200 ngàn, 1 ha là 2 triệu, với lại giảm được 2 lần phun thuốc.

 

Tham gia trong cánh đồng liên kết ở Đồng Tháp, người nông dân được cán bộ kỹ thuật phân công bám sát địa bàn hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất, hướng dẫn thường xuyên thăm đồng, phòng trừ sâu bệnh và quản lý đồng ruộng; ghi chép sổ tay theo dõi tình hình sản xuất và hạch toán hiệu quả kinh tế. Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân nhấn mạnh  đây là hình thức liên kết mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân: Hợp tác xã là hình thức rất tiện lợi để các công ty có thể liên kết, từ các công ty có đầu vào để giúp bà con xã viên có được phân bón không bị trộn lẫn, thuốc bảo vệ thực vật tốt. Cuối cùng khi bà con sản xuất đúng quy trình thì công ty có đầu ra liên kết thu mua. Khi doanh nghiệp mua vào để chế biến ra gạo thành phẩm thì có thể đăng ký thương hiệu được. Đây là hình thức rất tốt.

 

Áp dụng thành công mô hình “Cánh đồng liên kết” cũng chính là góp phần cho các địa phương hoàn thành tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Vì theo chủ trương của xây dựng nông thôn mới thì mỗi xã phải có ít nhất một mô hình kinh tế hàng hóa lớn. Và để nâng cao đời sống của người dân thì không có cách nào khác là phải xây dựng và phát triển các cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết đầu tư và tiêu thụ với doanh nghiệp. Đây mới là mục tiêu của nền nông nghiệp bền vững, không chỉ dựa trên quy mô lớn hay nhỏ. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nêu rõ “cánh đồng mẫu lớn” đề cập  phương thức sản xuất, hướng đến qui mô sản xuất lớn, còn “cánh đồng liên kết” hướng đến yếu tố "hợp tác" giữa những người sản xuất và mối "liên kết" giữa sản xuất với tiêu thụ. Đây chính là mục tiêu của nền nông nghiệp bền vững, chứ không phải dựa trên qui mô lớn hay nhỏ: Cánh đồng liên kết nhấn mạnh khía cạnh liên kết giữa các tác nhân với nhau. Tức là ‘cánh đồng liên kết’ chỉ về nội dung tổ chức sản xuất nhiều hơn. Trong mô hình liên kết, “người nông dân phải liên kết với nhau trong hình thức kinh tế hợp tác; giữa người nông dân và doanh nhân gắn kết với nhau trong các hình thức không phải chỉ liên kết hai chiều mà là đa chiều để vừa xử lý đầu vào, vừa xử lý đầu ra và xây dựng chuỗi ngành hàng.

 

Hiệu quả từ “cánh đồng liên kết” ở Đồng Tháp đã góp phần xây dựng mối liên kết chặt chẽ đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đạt chất lượng cao, ổn định giữa các xã viên Hợp tác xã và các doanh nghiệp. Từ đó, giúp nông dân yên tâm và hợp tác sản xuất hiệu quả ngay trên cánh đồng của mình, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu