Kinh nghiệm huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới ở Đắc Lắc

Đình Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên đã có 11 xã đạt đủ 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Qua mô hình thành công tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới cho thấy: việc huy động sức dân đóng vai trò quan trọng.


(VOV5) - Sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên đã có 11 xã đạt đủ 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Qua mô hình thành công tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới cho thấy: việc huy động sức dân đóng vai trò quan trọng.


Kinh nghiệm huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới ở Đắc Lắc - ảnh 1
Nông dân Ea ô, huyện Ea Kar thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất lúa. Ảnh: daklak.gov.vn



Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, việc phát triển, cải tạo hệ thống giao thông nông thôn là một trong những việc khó vì cần đến nhiều kinh phí. Thế nhưng, tại xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắc Lắc, giao thông nông thôn lại phát triển đặc biệt nhanh chóng. Sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động mọi nguồn lực xây dựng được 2 cây cầu kiên cố, 90 km đường liên thôn, liên xã đã được trải nhựa hoặc bê tông hoá với giá trị xây dựng gần 70 tỷ đồng. Hơn 500 hộ dân trong xã đã tình nguyện đóng góp tiền của, ngày công lao động; phá tường rào, chặt cây và hiến tới 160 nghìn mét vuông đất… để hoàn thành con đường. Theo ông Nguyễn Minh Chuyền, chủ tịch UBND xã Ea Ô, với sự ủng hộ của toàn dân, việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2015 là hoàn toàn có thể thực hiện được. Ông Nguyễn Minh Chuyền chia sẻ: “Phải ghi nhận công lao của bà con nhân dân kịp thời. Ví dụ như khi xây dựng tiêu chí số 2 về đường giao thông, chúng tôi vận động từng hộ một. Đo đạc rõ đất hiến bao nhiêu, đường bao nhiêu, cây bao nhiêu rồi có một biên bản ghi nhận, rồi tính ra giá trị đó. Khi mà giải phóng mặt bằng rộng thì chúng tôi phát trên đài phát thanh, rồi công bố  những gương người tốt việc tốt và sau đó tuyên dương khen thưởng kịp thời.”

Cũng nhờ khéo vận động quần chúng, ở các xã Quảng Điền (huyện Krông Ana), Ea Tul (huyện Chư M’Gar), Ea Nuol (huyện Buôn Đôn)… hàng trăm hộ gia đình đã tự nguyện di dời, hiến đất, góp tiền, góp công để xây dựng các công trình phúc lợi và đường giao thông. Qua đó, đây nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ông Nguyễn Lộc, ở thôn 1 Xã Quảng Điền, huyện Krông Ana, người đã hiến gần 600 mét vuông thổ cư, đồng thời vận động hàng chục hộ khác trong thôn tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới, cho biết: “Gia đình, con cái tôi đều đồng tình, bởi vì đây là quyền lợi của người nông dân. Trên danh nghĩa là đóng góp nhưng thực tế là người hưởng lợi. Như trước đây thì mưa lầy, gió bụi…đến khi làm đường nhựa thì đi lại sạch sẽ, giá trị đất của mình cũng tăng lên.”

Với sự ủng hộ của toàn dân, hiện ở một số xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, việc triển khai nông thôn mới đã được triển khai thuận lợi. Thượng tá Nguyễn Minh Mạnh, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 198, đơn vị tham gia giúp dân ở 3 xã của tỉnh Đắc Lắc xây dựng nông thôn mới, cho biết: đầu tiên phải giúp bà con hiểu về nông thôn mới, dần dần là tuyên truyền về đường lối chủ trường của Nhà nước về công tác xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là cán bộ phải gần gũi dân, để người dân hiểu tình cảm, trách nhiệm của người cán bộ: “Chúng tôi đi lại, giúp đỡ bà con lối xóm, xây dựng đường sá, vét kênh mương, nội đồng, thuỷ lợi… như thế thì mới tạo tình cảm gần gũi giữa chiến sĩ chúng tôi với bà con, giống như ở nhà mình. Mục đích là để xây dựng nông thôn mới, hoàn thành các tiêu chí đó và khi có bất kỳ nhiệm vụ nào đặt ra là chúng tôi đều được bà con trên địa bàn ủng hộ.”

Qua 3 năm xây dựng nông thôn mới, các hộ dân ở Đắc Lắc đã hiến đất, đóng góp tiền, ngày công, với tổng trị giá hơn 750 tỷ đồng, góp phần đẩy nhanh tiến độ chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đã có 1/5 số xã trong tỉnh đạt từ 10 đến 15 tiêu chí. Dự kiến trong năm nay, tỉnh Đắc Lắc có 2 xã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đến năm 2015, tỉnh sẽ có thêm 30 xã đạt chuẩn. Ngoài đầu tư hợp lý, chỉ đạo kịp thời, những kinh nghiệm trong huy động sức dân thu được trong 3 năm qua là điều quan trọng giúp Đắc Lắc thực hiện thắng lợi mục tiêu này./.

 

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu