Tỉnh Kon Tum hiện có 187 Hợp tác xã (HTX) với trên 9.600 thành viên và người lao động. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các HTX gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhờ phát huy tốt tinh thần đoàn kết và có những cách làm sáng tạo, nhiều HTX ở Kon Tum đã trụ vững, từng bước vượt qua khó khăn và sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới khi dịch bệnh được kiểm soát.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
HTX nông nghiệp Công bằng Pô Kô, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, có 113 thành viên với 172ha chuyên canh cây cà phê, cung cấp nguyên liệu chất lượng cao cho các đối tác quốc tế. Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, hoạt động của HTX gặp khó khăn nghiêm trọng với nhiều đơn hàng ùn ứ kéo dài, giá cước tàu biển tăng cao và nguồn cung container để đóng hàng lại thiếu hụt.
Để duy trì sản xuất, HTX khuyến khích các thành viên trồng thêm các sản phẩm ngoài cà phê như đậu, đỗ, mè để vừa có thêm thu nhập, vừa duy trì dưỡng chất cho đất và giảm được chi phí phân bón cho cây cà phê. Từ cà phê và các cây trồng kết hợp, HTX đã phát triển thêm 2 sản phẩm bán lẻ trong nước, gồm cà phê bột pha phin với tỷ lệ 100% quả chín và trà gạo lứt chăm sóc sức khỏe. Nhờ đó, trong năm 2020, tổng doanh thu của HTX vẫn đạt trên 18 tỷ đồng.
Bà Phạm Thị Huyền Anh (mặc đồ màu đen) giới thiệu máy rang cà phê Hợp tác xã mới đầu tư để phát triển sản phẩm cà phê bột. Ảnh: VOV |
Bà Phạm Thị Huyền Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX nông nghiệp Công bằng Pô Kô khẳng định, có được kết quả này là vì HTX đã có những thay đổi kịp thời và phù hợp. Trong đó, đoàn kết và đổi mới sáng tạo là những nhân tố có vai trò quan trọng:“Trước đây thì chúng tôi chỉ có xuất khẩu và bán buôn, còn bây giờ thì chúng tôi cũng có thời gian để mình suy nghĩ lại và xây dựng hệ thống để làm sao mà có thể bán được cho khách hàng nội địa ở Việt Nam. Đồng thời, hợp tác cùng với các tổ chức khác cũng như là các nhà phân phối khác ở Việt Nam để tạo thành một hệ thống bán hàng Online. Và như thế là ngoài việc tiết kiệm được chi phí mặt bằng thì chúng tôi có thể lan tỏa được hình ảnh của Hợp tác xã cũng như sản phẩm tốt của Hợp tác xã đến với thị trường trong nước”.
Một ví dụ khác về khả năng thích ứng và vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 của các HTX tại Kon Tum nhờ tinh thần đoàn kết và được tổ chức tốt, là trường hợp của HTX Mắc ca Nhân Hòa ở thôn 3, xã Kon Đào, huyện Đăk Tô. Theo đó, dù dịch Covid-19 khiến hoạt động thị trường đình trệ và giá sản phẩm xuống thấp, nhưng HTX với 9 thành viên này vẫn đầu tư theo đúng lộ trình như mở rộng diện tích trồng mới, đưa vào vận hành dây chuyền bóc vỏ xanh, sấy khô và bảo quản sản phẩm.
Vườn mắc ca đang cho trái của Hợp tác xã Mắc ca Nhân Hòa. Ảnh: VOV |
Chia sẻ về bí quyết duy trì hoạt động ổn định của HTX, ông Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc HTX Mắc ca Nhân Hòa cho biết: “Trong điều kiện dịch bệnh, chúng tôi có một tập thể Hợp tác xã liên kết các thành viên, cùng nhau làm, cùng nhau nghiên cứu, cùng nhau phát triển và cùng nhau góp vốn để có những sức mạnh lớn hơn. Cây mắc ca là cây mới cần phải có một nghiên cứu. Mỗi người tự mày mò thì sẽ khó khăn hơn. Chúng tôi tập hợp nhau lại các thành viên mỗi người có một thế mạnh khác nhau cùng góp lại, hợp tác lại để cùng nhau phát triển và cùng nhau đem lại đời sống tốt hơn cho tất cả các thành viên trong Hợp tác xã”.
Thống kê của Liên minh HTX tỉnh Kon Tum cho thấy, khoảng 80% số HTX trong tỉnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hầu hết trong số này đều đang đứng vững và hoàn toàn sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo khi dịch bệnh được kiểm soát. Theo ông Nguyễn Lâm Cảnh, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kon Tum, trong hành trình vượt khó duy trì sản xuất kinh doanh, sự đoàn kết, thống nhất của xã viên; sự năng động, nỗ lực của Ban quản trị các HTX, là quan trọng nhất. Về phần mình, để hỗ trợ khả năng thích ứng và duy trì hoạt ổn định cho các HTX thành viên,
Liên minh HTX Kon Tum tiếp tục phát huy tốt vai trò điều phối, gắn kết hiệu quả giữa các thành viên. Ông Nguyễn Lâm Cảnh khẳng định: “Liên minh Hợp tác xã tỉnh tăng cường tham mưu, kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể các cấp nhằm đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa các ngành trong triển khai thực hiện các chính sách về kinh tế tập thể và phát huy vai trò của các thành viên trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã”.
Việc nhiều HTX ở tỉnh Kon Tum, một địa phương còn nhiều khó khăn, đã phát huy tốt tinh thần đoàn kết và có những cách làm sáng tạo để vượt qua thách thức mà dịch bệnh COVID-19 gây ra, chính là sự khích lệ, động lực tốt cho các HTX trên cả nước kiên cường duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn và vươn lên. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được dự báo còn có thể tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa thể sớm kết thúc.