Đổi thay từ các buôn làng tại tỉnh Lâm Đồng

Quang Sáng
Chia sẻ
(VOV5) - Giờ đây, sức sống mới đang tràn ngập ở những vùng đất khó khăn một thời của tỉnh Lâm Đồng.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nhờ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và sự đồng hành của người dân, khu vực Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Lâm Đồng, đời sống của đồng bào các dân tộc đã đổi thay rõ rệt. 

Tỉnh Lâm Đồng có 1,3 triệu dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 25%. Trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Lâm Đồng đầu tư gần 1.700 tỷ đồng (hơn 72,2 triệu USD) để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số. Đây là sự quan tâm đầu tư đặc biệt của Nhà nước nhằm giúp các vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Lâm Đồng có thêm động lực để không ngừng phát triển đi lên.

Đổi thay từ các buôn làng tại tỉnh Lâm Đồng - ảnh 1Nhờ chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng KHKT vào canh tác, đời sống của người dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng đã ngày càng no ấm. Ảnh: VOV

Ông K’Bát, Bí thư chi bộ thôn Băng Dung, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, cho biết đời sống của người dân ở các vùng dân tộc thiểu số đổi thay rõ rệt, không chỉ đẩy lùi được đói nghèo mà nhiều hộ đã vươn lên làm giàu, xây dựng buôn làng phát triển.

Việc triển khai chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước, nhất là các chương trình cụ thể của địa phương trên các địa bàn khó khăn đã mang lại hiệu quả tốt. Bà con nơi đây hưởng ứng tích cực, tham gia xây dựng, đóng góp ngày công, hiến đất làm đường, liên kết sản xuất làm ăn, tăng gia sản xuất. Từ đó, bộ mặt buôn làng đã phát triển, đổi thay rất nhiều so với trước. Đặc biệt, người dân luôn được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và hưởng thụ các chính sách đầu tư nên rất phấn khởi.

Hiện, Lâm Đồng đang triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng về hạ tầng, thu nhập, y tế, giáo dục, văn hoá, giảm nghèo... đã có sự thay đổi rõ rệt.

Đổi thay từ các buôn làng tại tỉnh Lâm Đồng - ảnh 2Các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện hiệu quả đã góp phần giúp các buôn làng ở Lâm Đồng phát triển từng ngày. Ảnh: VOV

Cụ thể, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm ngoái đạt gần 78 triệu đồng (hơn 3.300 USD), tăng gần 15 triệu đồng so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 đã giảm 2% so với năm 2021, còn 1,6%. Năm nay, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu giảm nghèo tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 2,5 đến 3% so với năm ngoái. Nhà nước hỗ trợ đắc lực, hiệu quả để người dân lao động, sản xuất, cải thiện đời sống.

Ông K’Kras, dân tộc K’ho ở thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, kể: "Được sự quan tâm của Nhà nước, sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương huyện Bảo Lâm... tôi được tham gia các khóa tập huấn, tham dự các hội thảo, mua phân bón trả chậm... Tôi đã tích cực đầu tư sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác vườn chè, vườn cà phê nên luôn mang lại năng suất cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mình."

Không chỉ ông K’Kras mà phần lớn bà con người dân tộc của tỉnh Lâm Đồng đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nếu 10 năm trước, gần 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số K’ho ở thôn 4, xã Đạ Ploa, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng có hơn 60% thuộc diện nghèo, thì nay không còn hộ nào nghèo và phần lớn đã trở nên khá và giàu. Kết quả này là nhờ Nhà nước triển khai đồng bộ nhiều chính sách, chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số tại chỗ. Đặc biệt, các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm nghèo bền vững, trợ giá trợ cước giống cây trồng, vật nuôi, chuyển giao kỹ thuật canh tác... đã phát huy hiệu quả.

Bà Ka Rom, Trưởng thôn 4, xã Đạ Ploa, cho biết: "Được Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao kinh tế, xã hội, cách chăm sóc cây trồng và bà con áp dụng làm theo. Từ đó, đời sống bà con nơi đây đã đổi thay rất nhiều, ý thức của bà con cũng đổi thay tích cực, các hủ tục lạc hậu đã được đẩy lùi, xóa bỏ cảnh đói nghèo rồi. Việc học hành của con cháu được chú trọng, buôn làng cùng nhau xây dựng nếp sống mới và phát triển kinh tế, xã hội."

Đến Lâm Đồng hôm nay, hình ảnh “những con đường đất đỏ lượn vòng trên cao nguyên” dần lùi vào dĩ vãng, để nhường chỗ cho những cung đường thênh thang trải nhựa dài tít tắp nối các buôn làng, đời sống nhân dân đổi thay hằng ngày. Đến nay, các buôn làng trong tỉnh Lâm Đồng cơ bản đã bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu