Đã trở thành truyền thống đầu Xuân cứ vào ngày 8/1 âm lịch hàng năm người dân làng Phú Gia (nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) lại tổ chức lễ hội xôi tôn vinh nghề truyền thống của làng. Không ai biết nghề nấu xôi ở làng Phú Gia có từ bao giờ, chỉ biết rằng xôi Phú Gia nổi tiếng kinh thành Thăng Long xưa và từng là món ngon “tiến Vua” mỗi dịp lễ, tết.
Đông đảo người dân và du khách tham quan lễ hội xôi
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Phường Phú Thượng có 3 làng cổ: Làng Thượng Thụy (còn gọi là làng Bạt); làng Phú Gia (làng Gạ), làng Phú Xá (làng Xù). Trong đó, nghề nấu xôi tập trung chủ yếu ở làng Phú Gia.
Lễ hội xôi Phú Thượng được mở đầu bằng màn trống hội, múa lân chào mừng và nhiều tiết mục văn nghệ của những người con đất làng xôi. Tâm điểm của Lễ hội xôi là Hội thi nấu xôi. Cũng như mọi năm, năm nay, Hội thi nấu xôi Phú Thượng thu hút 6 đội tham gia. Mỗi mâm xôi đều phải mang được nét văn hóa của làng, có hương vị đặc trưng. Ngoài kỹ thuật nấu xôi, các đội bốc thăm trả lời các câu hỏi của Ban giám khảo liên quan đến nghề nấu xôi.
Chụp ảnh lưu niệm bên mâm xôi ngũ sắc
|
Ông Hy Phú, Trưởng Ban tổ chức lễ hội xôi Phú Thượng, cho biết: “Lễ hội xôi gắn vào lễ Thành Hoàng làng trong 3 ngày 8, 9 và 10/1 âm lịch. Lễ hội xôi được tổ chức ở đình làng Phú Gia vào chiều 8/1 âm lịch hàng năm. Làng Phú Gia có 6 xóm nên có 6 đội thi, mỗi xóm thường cử 5 người. Hàng năm chúng tôi có 1 giải đặc biệt và 1 giải nhất, còn lại tất cả đồng giải ba. Có quy định nấu đủ các loại xôi như xôi đậu xanh, xôi lạc, xôi đỗ đen, xôi gấc..., thường là thi nấu xôi ngũ sắc 5 màu. Thời gian quy định thường là 1 tiếng. Có nhiều tiêu chí chấm thi, đạt được đúng thời gian, cách trình bày, thuyết trình nấu xôi, độ xôi dẻo, thơm và chín thì mới được giải. Bên lề lễ hội còn có trò chơi dân gian như cờ tướng, cờ bỏi, tổ tôm”.
Một tác phẩm dự thi
|
Ban giám khảo chấm thi là những người có thâm niên làm nghề và nổi tiếng nấu xôi ngon ở trong làng. Nghệ nhân Công Thị Bé, bậc cao niên trong làng, người từng nhiều năm trong Ban giám khảo hội thi nấu xôi Phú Thượng, kể: “Người ta đến lễ hội xôi để giao lưu, học hỏi lẫn nhau, nhớ ơn tổ tiên có nghề nấu xôi mưu sinh cho dân làng. Thi nấu xôi phải trình bày mâm xôi đẹp, thuyết trình đi vào lòng người, đảm bảo an toàn thực phẩm. Sau cuộc thi xôi được bà con trong làng, du khách ăn, nếm thử ngay tại chỗ. Muốn làm xôi ngon phải chọn nguyên liệu ngon, phải gạo nếp cái hoa vàng. Xôi ở đây đều thổi 2 lần lửa, nấu hôm trước, ngày hôm sau vảy nước vào nấu lại nên xôi mềm dẻo, thơm, ngon, để cả ngày không bị cứng”.
Bên lề lễ hội xôi, Ban tổ chức trưng bày khu ẩm thực với các gian hàng ẩm thực giới thiệu các loại xôi, nguyên vật liệu làm xôi, những món ăn dân giã làng quê như chè, bánh đa, kẹo lạc, kẹo vừng, rượu nếp... Đến với lễ hội xôi, chị Nguyễn Hồng Sơn, xóm 2, bày tỏ: “Tôi luôn tự hào là người con làng. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, tiềm thức của tôi gắn liền với xôi. Tôi mong muốn xôi của làng ngày càng nổi tiếng, bán khắp mọi nơi”.
Một tác phẩm dự thi
|
Xôi Phú Thượng được biết tới là một trong những nơi nấu xôi ngon nhất cả nước nhờ hương vị đặc biệt, sản phẩm đa dạng và cả sự công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến khi thành phẩm. Trong làng có tới gần 600 hộ làm nghề, 3 nghệ nhân, nhiều người từ các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh, Phú Thọ... lặn lội về đây học nghề. Ông Hoàng Gia Lượng, Chủ tịch Hội làng nghề Phú Thượng, cho biết: “Một ngày bình thường cả làng nấu khoảng 9 tấn gạo nếp, ngày lễ, ngày rằm gấp rưỡi. Một số hộ còn cung cấp xôi cho các khách sạn, nhà hàng, sân bay Nội Bài. Năm 2017, thành phố Hà Nội công nhận Phú Thượng là làng nghề xôi truyền thống. Trong năm 2018, Ủy ban nhân dân phường cùng với Hội làng nghề sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị Sở Công thương Hà Nội công nhận thương hiệu xôi Phú Thượng”.
Lễ hội xôi Phú Thượng được tổ chức hàng năm và trở thành hoạt động truyền thống kết nối giữa các thế hệ làng nghề, bảo tồn và phát triển nghề. Lễ hội đã góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa của dân làng tới du khách gần xa.