Độc đáo làng nghề tò he Xuân La

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) -Nghề làm tò he ở làng Xuân La là niềm đam mê của người dân làng Xuân La xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề nặn tò he. Đây cũng là làng nghề tò he duy nhất ở Việt Nam. Không chỉ là một nghề mưu sinh, nặn tò he ở làng Xuân La đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc Việt Nam

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Độc đáo làng nghề tò he Xuân La - ảnh 1Các nghệ nhân làng tò he Xuân La 

Tò he là một loại đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam làm bằng bột gạo nếp pha lẫn với đường, có thể ăn được. Thủa đầu, tò he là sản phẩm dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn, cá... vì vậy, người ta gọi sản phầm này là “đồ chơi chim cò”. Một số vùng quê ở Việt Nam, người ta còn gọi là “con bánh” vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... tạo thành mâm cỗ để đi lễ chùa. Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh “tò te” thế nên người ta gọi là “tò te”, sau này nói chệch thành “tò he”.

Độc đáo làng nghề tò he Xuân La - ảnh 2Các con giống bột đủ sắc màu, hình dáng

Nghề tò he có ở nhiều vùng quê Việt Nam, nhưng ở làng nghề truyền thống tò he Xuân La, hầu như cả làng ai cũng biết nặn tò he. Những người thợ tài hoa ở làng Xuân La làm ra những đồ chơi, con vật sinh động, ngộ nghĩnh, khiến trẻ em ngỡ ngàng, thích thú. Ông Đặng Văn Khương, nghệ nhân tò he làng Xuân La, kể: “Lịch sử làng nghề tò he chúng tôi có từ xa xưa, cách đây khoảng 300 năm. Chúng tôi thế hệ hiện nay vẫn duy trì, gìn giữ bản sắc nghề của ông cha để lại. Ngày lễ hội làng, ngày rằm tháng Giêng hàng năm, dân làng tổ chức thi tay nghề nặn tò he cho các nghệ nhân, thợ giỏi. Câu lạc bộ Tò He chúng tôi hiện nay có 120 hội viên, hàng tháng có buổi sinh hoạt câu lạc bộ. Qua đó, chúng tôi trao đổi kinh nghiệm làm nghề, sáng tạo nét tinh hoa của nghề truyền thống. Chúng tôi đã đi biểu diễn, giao lưu văn hóa với các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ.”

Độc đáo làng nghề tò he Xuân La - ảnh 3Nghề nặn tò he có từ cách đây hàng trăm năm nay 

Nhìn bề ngoài nhiều người nghĩ không có khó khăn gì để nặn được tò he, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Nặn tò he như một môn nghệ thuật, đòi hỏi người làm phải khéo léo, sáng tạo, chính xác trong từng chi tiết thì mới tạo ra sản phẩm bắt mắt. Ảnh Đặng Văn Hậu, nghệ nhân tò he ở làng Xuân La, kể: “Công đoạn nặn Tò He quan trọng là kỹ thuật luộc bột, làm bột phải ước lượng theo thời tiết. Mùa Đông thì phải làm bột dẻo hơn mùa Hè. Gạo phải chọn gạo nếp dẻo, nếp cái hoa vàng thì chất lượng hàng tốt và dễ làm hơn. Ngày xưa các cụ xử dụng màu từ vật liệu tự nhiên như màu đỏ lấy từ quả gấc, màu vàng lấy từ củ nghệ, màu xanh lấy từ lá rau ngót... nhưng bây giờ công nghệ đã phát triển các nghệ nhân lấy màu thực phẩm làm bánh pha chế vào thì thuận tiện hơn và màu sắc cũng tươi, đẹp hơn nhiều.”

Độc đáo làng nghề tò he Xuân La - ảnh 4Các nghệ nhân tò he còn tạo phối cảnh, làm bonsai từ bột nặn 

Người làm tò he bây giờ năng động rất nhiều trước thị hiếu của khách hàng. Nếu như ngày trước người ta nặn tò he chủ yếu là các loại cây quả, con giống, các con vật.... thì ngày nay, các nghệ nhân còn nặn nhiều hình thù phong phú như những nhân vật trong chuyện cổ tích, truyện tranh mà trẻ em yêu thích như Aladin, Doreamon, Pokemon, Tề Thiên Đại thánh, Trư Bát Giới… cho đến hình ảnh những vị anh hùng dân tộc, hay đèn ông sao, phong cảnh ngày mùa, phong cảnh làng quê truyền thống.

Tháng 10, năm 2010, nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ, người dân làng Xuân La mang đến 3 sản phẩm tò he được công nhận là kỷ lục Việt Nam. Đó là con rồng thời Lý nặng 300kg, con rùa nặng 250 kg và mâm ngũ quả nặng 25kg để quảng bá thương hiệu làng nghề truyền thống Xuân La với du khách gần xa. Ông Chu Văn Chiến, người làm nghề tò he làng Xuân La, cho biết: “Tò He bây giờ cải tiến hơn hơn ngày xưa. Nghề Tò he đòi hỏi khéo tay và trí tưởng tượng phong phú. Giả sử các cháu thích một cái gì đó thì mình phải nghĩ ngay trong đầu hình thành cái gì rồi, làm ra ngay. Vì là đồ chơi dân gian, Tò he muôn hình muôn vẻ, trẻ em thích gì là nghệ nhân có thể làm ra mô hình đó. Tò He Xuân La nổi tiếng ai cũng biết, chỗ nào cũng thấy người xã Xuân La dạy nặn tò he  cho các cháu. Tò he Xuân La, màu mè bắt mắt, mẫu mã đẹp, phong phú, đa dạng.”

Nghề làm tò he ở làng Xuân La là niềm đam mê của người dân nơi đây. Các nghệ nhân, thợ nghề thường di chuyển xa nhà, rong ruổi trong các phiên chợ quê, các làng xóm, phố phường để nặn tò he bán, nhất là vào dịp Tết Trung Thu, hay những nơi nào có đình đám, hội hè. Dần dần trải qua năm tháng, người dân làng Xuân La đã đem nghề đi khắp nơi, từ Bắc vào Nam. Sản phẩm tò he là đồ chơi thú vị, hấp dẫn trẻ em và cũng là món quà lưu niệm mộc mạc, đậm chất làng quê Việt Nam. Chính nhờ nét độc đáo và tài tình trong cách tạo nên đồ chơi cho trẻ thơ mà sản phẩm tò he làng Xuân La đã được giới thiệu, quảng bá tại nhiều nước trên thế giới và đã tạo ấn tượng với bạn bè quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu