Đắc Lắc phát triển cây cà phê bền vững để xây dựng nông thôn mới

Hương Lý
Chia sẻ
(VOV5) - Mô hình Tổ hợp tác liên kết hộ sản xuất cà phê bền vững ở một số địa phương tỉnh Đắc Lắc đã mang lại hiệu quả bước đầu.

(VOV5) - Mô hình Tổ hợp tác liên kết hộ sản xuất cà phê bền vững ở một số địa phương tỉnh Đắc Lắc đã mang lại hiệu quả bước đầu, giúp nhiều hộ nông dân dân tộc thiểu số thay đổi tập quán sản xuất cà phê kiểu cũ, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị sản phẩm. Qua mô hình sản xuất này cũng đã, tạo được nguồn hàng cà phê chất lượng cao, khẳng định uy tín cà phê Buôn Ma Thuột trên thị trường.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Mới thành lập được hơn 1 năm, Tổ hợp tác Nông nghiệp Sản xuất Cà phê bền vững Ea Kmat, xã Hòa Đông, huyện Krông Pách đã thu hút được gần 100 thành viên, hầu hết là người dân tộc thiểu số, với tổng diện tích sản xuất cà phê 140 hec-ta. Việc hình thành tổ hợp tác xuất phát từ nhu cầu của các thành viên trong việc chia sẻ thông tin khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nhau về vốn, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ sản phẩm. Tổ hợp tác Phát triển cà phê bền vững Ea Kmat đã xây dựng thương hiệu sản phẩm và được Tổ chức Nhãn hiệu Thương mại Công bằng quốc tế (FairTrade) cấp chứng nhận sản xuất cà phê bền vững. Ông Lê Văn Đường ở thôn Tân Đông, xã Ea Kênh, huyện Krông Pách cho biết: Từ khi tham gia tổ hợp tác, ông được hướng dẫn, chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay trong sản xuất cà phê. Cụ thể như: tưới tiết kiệm nước, dùng thiên địch để phòng trừ sâu bệnh hại, bón phân cân đối và đúng thời điểm. Nhờ vậy, năng suất cà phê của gia đình ông được cải thiện rõ rệt:“  Trước kia chưa tham gia vào tổ hợp tác thì sản xuất cà phê theo kiểu quảng canh theo kiểu đại trà nhìn nhau làm nên năng suất hồi đó bình quân chỉ  khoảng 2 tấn/hec ta. Còn bây giờ như năm vừa rồi 3 tấn rưỡi, năm trước trúng hơn tới 4,2 tấn nhân”.

Đắc Lắc phát triển cây cà phê bền vững để xây dựng nông thôn mới - ảnh 1
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tham quan máy móc, cơ sở chế biến cà phê tại HTX Công Bằng Ea Kiết (Ảnh: Đại đoàn kết)


Với mục đích gia tăng giá trị sản phẩm cà phê, nâng cao kiến thức thương mại cho người trồng cà phê, năm 2011, gần 50 hộ ở xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắc Lắc cũng đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Dịch vụ Công bằng Ea Kiết. Nhờ tuân thủ các tiêu chuẩn canh tác cà phê tiên tiến của thế giới như: bón phân, phun thuốc, tỉa cành, tạo tán đúng kỹ thuật; thu hái quả chín phải đạt tỉ lệ trên 90%... Sản phẩm cà phê của hợp tác xã được FairTrade cấp giấy chứng nhận, nên giá bán cũng cao hơn thị trường. Thu nhập của các xã viên được nâng lên từ 10 đến 20 triệu đồng mỗi năm.  Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, thu hút ngày càng đông xã viên tham gia; đến nay đã có gần 100 thành viên, với tổng diện tích cà phê hơn 180 hec-ta, tăng hơn gấp đôi so với ngày đầu thành lập. Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết:“  Hàng năm đối với chương trình cà phê bền vững thì Hợp tác xã tổ chức 3 đến 4 đợt cho bà con xã viên về khoa học kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động để họ nhận thức được. Đặc biệt đối với từng hộ thì từng tháng có chương trình kế hoạch cụ thể cho từng tổ đội sản xuất, tuyên truyền cho bà con nhận thức về chương trình phát triển cà phê bền vững đảm bảo chất lượng tốt hơn”.

Đắc Lắc phát triển cây cà phê bền vững để xây dựng nông thôn mới - ảnh 2
Các thành viên HTX sản xuất cà phê bền vững Ea Kmát (xã Hòa Đông, huyện Krông Pak) đang thực hiện chế biến ướt. baodaklak.vn


Tỉnh Đắc Lắc hiện có diện tích cà phê lớn nhất cả nước với hơn 200.000 hec-ta. Để triển khai Đề án phát triển cà phê bền vững giai đoạn 2008 - 2015 và định hướng đến năm 2020, ngành chức năng tỉnh Đắc Lắc đã rà soát, quy hoạch lại vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột với diện tích khoảng 80.000 ha để phát triển theo hướng bền vững và có thương hiệu, có xuất xứ rõ ràng. Cùng với đó, tỉnh có chính sách khuyến khích tạo mối liên kết “4 nhà”( Nhà nông, Nhà nước, Nhà khoa học, Doanh nghiệp) trong phát triển cà phê bền vững, trong đó chú trọng mối quan hệ giữa nhà nông và doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 132 hợp tác xã và tổ hợp tác liên kết với các doanh nghiệp sản xuất cà phê bền vững, với tổng diện tích gần 5400 hec ta. Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắc cho biết:“ Ngoài các chương trình của chính phủ, Đắc Lắc cũng đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua đó Đắc Lắc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn FDI có khả năng tham gia mua cà phê lớn thì tham gia cùng nông dân để hình thành nên liên minh cũng như các hình thức cà phê chúng nhận để tập hợp nông dân lại. Một hình thức dần từng bước tiến tới bền vững hơn đối với sản xuất, tiêu thụ cà phê đó là các hợp tác xã”.

Việc hình thành các tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất cà phê bền vững ở  Đắc Lắc bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Từng bước thay đổi tập quán sản xuất cà phê cũ, giúp nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm, khẳng định uy tín cà phê Buôn Ma Thuột trên thị trường trong nước và thế giới.

 

 

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu