Cơ giới hóa góp phần tăng năng suất lao động trong sản xuất nông nghiệp

Đình Trung
Chia sẻ
(VOV5) - Mô hình cơ giới hóa nông nghiệp đã thực sự góp phần mang lại diện mạo mới cho vùng đồi gò khó khăn này
(VOV5) - Mô hình cơ giới hóa nông nghiệp đã thực sự góp phần mang lại diện mạo mới cho vùng đồi gò khó khăn này.


Mai Đình là một xã có quy mô đất đai và lao động lớn của huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Trước đây, người dân vẫn theo tập quán canh tác lúa là gieo mạ và cấy truyền thống. Từ khi áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, bà con vừa giảm được ngày công lao động, giảm chi phí sản xuất mà vẫn thu được lợi nhuận. Mô hình cơ giới hóa nông nghiệp đã thực sự góp phần mang lại diện mạo mới cho vùng đồi gò khó khăn này. 
Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Trước khi thực hiện mô hình cơ giới hóa đồng bộ, ở xã Mai Đình, ruộng đất còn manh mún nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. 60% diện tích cấy lúa trên địa bàn vẫn sử dụng sức kéo trâu bò và 100% diện tích cấy theo cách truyền thống. Để bà con thoát khỏi lối tư duy làm ruộng thủ công mà hiệu quả không cao, Trung tâm khuyến nông Hà Nội phối hợp với chính quyền xã Mai Đình tiến hành vận động người dân từng bước đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp. Anh Nguyễn Văn Bắc, nông dân xã Mai Đình, cho biết trước đây nhà anh có 5 sào ruộng nằm ở nhiều nơi, nên mỗi vụ gieo cấy phải huy động mọi nhân công trong gia đình mới cấy xong. Thêm vào đó, các ô ruộng nằm ở chỗ cao, chỗ thấp nên việc tưới tiêu gặp rất nhiều khó khăn. Khi biết Trung tâm khuyến nông Hà Nội phối hợp với chính quyền xã đưa máy móc, thiết bị vào cơ giới hóa đồng ruộng, anh Bắc cùng các hộ nông dân khác trong xã đã đồng tình tham gia mô hình này, đồng thời nhất trí dồn điển đổi thửa để thuận tiện cho việc canh tác. Đến nay, các loại máy đã có thể hoạt động dễ dàng trên 5 sào ruộng của gia đình anh. Anh Nguyễn Văn Bắc cho biết:
"Thứ nhất là giảm được công của lao động. Bà con không phải đi chuyển dây bơm nước ra đồng là đã giảm được 1 công. Bây giờ chỉ cần đứng 1 chỗ là có thể di chuyển được dây bơm ra khoảng 7 mét, giảm được tiền bơm nước nhiều hơn".


Cơ giới hóa góp phần tăng năng suất lao động trong sản xuất nông nghiệp - ảnh 1


 Ông Lê Đăng Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mai Đình, cho biết" kinh phí đầu tư cho mô hình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp khoảng 1,5 tỷ đồng, bao gồm mua máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, máy cày, máy bơm nước, phun thuốc trừ sâu, máy gieo sạ. Cách làm này mang lại hiệu quả rõ rệt vì chỉ trong 30 phút cả mẫu ruộng đã được cấy xong; đến khi thu hoạch, sử dụng máy gặt đập liên hoàn, giá chỉ bằng 60-70% so với phương pháp sản xuất thủ công truyền thống. Người nông dân chỉ phải thực hiện khâu bón phân và làm cỏ, vận chuyển thóc về nơi phơi. "Phát triển sản xuất là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao đời sống của nhân dân. Từ đó chúng tôi thấy đưa cơ giới hóa đồng bộ vào nông nghiệp là một trong những vấn đề quan trọng. Khi thực hiện cơ giới hóa đồng bộ thì chúng tôi tổ chức các tổ dịch vụ như dịch vụ làm đất, dịch vụ bón phân, dịch vụ chăm sóc và bảo vệ thực vật và trong mỗi dịch vụ đó thì nhân dân liên kết thành từng tổ, nhóm để sản xuất".

Sau khi áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, ước tính người nông dân chỉ phải bỏ ra khoảng 265.000 đồng/sào/vụ từ khâu làm đất, ngâm ủ, gieo sạ, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch, giảm được tới 1/3 chi phí so với cách làm ruộng truyền thống. Như vậy, người dân giảm được khá nhiều công sức trong quá trình từ gieo cấy tới thu hoạch. Bên cạnh đó, bà con xã Mai Đình còn thành lập một hợp tác xã dịch vụ chuyên cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu, phun thuốc khử trùng, tưới nước, các dịch vụ khác... đáp ứng tới ruộng cho người nông dân. Do đó, người nông dân sẽ có nhiều thời gian nhàn rỗi hơn để tham gia lao động trên các lĩnh vực khác.

Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Hà Nội, cho rằng khi đã hiểu và tin tưởng vào hiệu quả của việc đưa máy móc vào sản xuất, bà con nông dân sẽ nhiệt tình tham gia. Đây là yếu tố thuận lợi để mang lại một mùa vụ thắng lợi cả về năng suất cũng như thu nhập "Tiêu chí của nông thôn mới là giảm chỉ còn 30% lao động nông nghiệp, 70% lao động chuyển sang ngành khác. Chúng tôi chỉ đưa cơ giới hóa đồng bộ trên nền gieo sạ này thì mới giảm được lao động sống để chuyển sang ngành khác. Mô hình này đã giải quyết được 3 vấn đề: đưa cơ giới hóa vào sản xuất, liên kết nông dân để dồn ô đổi thửa, phát huy vai trò của dịch vụ hợp tác xã nông nghiệp để phục vụ cho nông dân từ khâu chuẩn bị sản xuất".

Với khoản kinh phí đầu tư không quá lớn cho mô hình đưa máy móc sản xuất nông nghiệp, thời gian và sức lao động của nông dân trên đồng ruộng đã giảm đáng kể, trong khi năng suất và sản lượng lúa tăng, khiến người dân rất phấn khởi. Cùng với đó, nông dân Mai Đình đã nhận thức được lợi ích của mô hình liên kết dịch vụ trong nông nghiệp, để từ đó, từng bước hiện đại hóa việc làm lúa từ khâu gieo trồng đến thu hoạch./.

      


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu