(VOV5) - Tổng số lao động nông nghiệp đã được đào tạo nghề trong giai đoạn 2010 - 2013 là hơn 660.000 người, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản theo nhu cầu của địa phương, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ những kết quả bước đầu, công tác đào tạo nghề nông nghiệp bước đầu đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới.
|
Đông đảo người lao động đã được thu hút vào làm việc tại Chi nhánh Công ty may Việt – Hàn. Ảnh: mic.gov.vn |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Hiện nay, cả nước có gần 25 triệu lao động nông nghiệp trực tiếp làm việc ở nông thôn nhưng mới chỉ có 5 triệu người qua đào tạo. Trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, lao động nông nghiệp ngày càng giảm, để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân thì công tác dạy nghề có vai trò đặc biệt quan trọng. Ông Nguyễn Minh Nhạn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các chương trình nông thôn gắn kết các hoạt động khuyến nông với hoạt động dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Cùng với đó, hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp đến cấp xã. Ông Nguyễn Minh Nhạn chia sẻ: "Bây giờ lao động nông thôn vẫn làm ở quy mô hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ. Đó là đặc điểm lớn nhất của ngành nông nghiệp của chúng ta trong giai đoạn hiện nay. Về cơ bản người ta vẫn được đào tạo nghề để làm nghề nông tốt hơn. Còn một tỷ lệ vẫn còn khiêm tốn là sau khi người ta được học và đào tạo thì chuyển sang làm các lĩnh vực khác. Trong thời gian tới gắn với cơ cấu ngành và quy hoạch xây dựng nông thôn mới thì việc này sẽ được lưu ý hơn tạo điều kiện để nông dân có thể chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác sau khi được đào tạo".
Từ năm 2010 đến nay, số lao động nông nghiệp được đào tạo đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra. Số lao động này được đào tạo tại hơn 760 cơ sở dạy nghề trên cả nước. Phần lớn lao động tham gia học nghề đã được tiếp cận với kỹ thuật mới để áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Đa số người dân vẫn tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động được nâng lên, tiết kiệm được chi phí sản xuất dẫn đến tăng thu nhập cho người dân. Ông Lê Trọng Quảng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu cho biết: đào tạo nghề nông thôn cần có chứng chỉ nghề để đủ điều kiện hợp đồng với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: "Tôi cho rằng xuất phát thứ nhất phải từ yêu cầu thực tế của người lao động cần đào tạo như thế nào để làm cho chính bản thân họ, hoặc là các doanh nghiệp tổ chức đào tạo để tuyển dụng họ làm công nhân, chứ không phải chúng ta đào tạo nghề theo kiểu phong trào, xã hội như hiện nay thì tôi cho rằng đầu tư thì rất lớn nhưng chưa mang lại hiệu quả tương xứng với những cái mà chúng ta mong muốn và tiền của mà chúng ta bỏ ra trong đào tạo nghề".
Mục tiêu của đào tạo nghề là để nông dân có thể sản xuất nông nghiệp hiện đại. Để đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thật sự đạt hiệu quả cần phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của người nông dân; gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Mặt khác, mục tiêu đào tạo nghề phải hướng đến giải quyết việc làm, chú trọng đầu ra làm tăng thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới đồng thời phù hợp với đặc điểm về trình độ, tư duy của lao động nông thôn. Trong giai đoạn 2014-2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp các địa phương tập trung triển khai các chương trình đào tạo nghề lao động nông thôn. Trong đó chú trọng đến đội ngũ kỹ thuật viên ngành nông nghiệp phải có chứng chỉ nghề, nhằm thực hiện chủ trương tăng cường năng lực cho Trung tâm khuyến nông ở các địa phương./.