Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Xã Đông Thới, huyện Cái Nước là xã vùng sâu vùng xa của tỉnh Cà Mau nên điều kiện phát triển còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ khi mô hình nuôi sò huyết được thực hiện tại địa phương đã tạo cú hích cho sự đổi thay. Không chỉ đời sống người dân mà bộ mặt nông thôn cũng như được đổi mới, khang trang.
Người dân xã Đông Thới, huyện Cái Nước ăn nên làm ra nhờ nuôi sò huyết trong vuông tôm (Ảnh chụp trước thời điểm thực hiện giãn cách). Ảnh: VOV |
Khoảng năm 2010 mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm manh nha tự phát tại xã Đông Thới, huyện Cái Nước. Khi đó, một bộ phận dân địa phương khó khăn đi cào sò ngoài biển để kiếm thêm thu nhập đã lấy giống về nuôi thử. Con sò lớn nhanh, cũng từ đó, người dân truyền tai nhau thả thêm sò trong vuông tôm để phát triển kinh tế.
Nhờ nuôi sò mà ngày nay, ven theo tuyến lộ Kinh 1, Kinh 2 của ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới, những ngôi nhà tường khang trang đua nhau mọc lên. Ông Mai Văn Thọ, người chỉ nuôi sò 2 năm, đã đủ tiền xây nhà cho biết, người dân địa phương vốn sống nhờ nuôi tôm, cua trong hồ ao, đàm lầy. Do ít đất mà mấy mươi năm qua, vợ chồng ông không xây được ngôi nhà đàng hoàng. Khi mô hình nuôi sò phát triển mạnh, ông Thọ dùng toàn bộ diện tích đất 0,7ha của gia đình thả nuôi. Chỉ riêng vụ sò thành công năm 2017 đã giúp ông có lãi gần 200 triệu đồng.
Chỉ vài năm, sau gia đình tiết kiệm được tiền từ nuôi sò huyết, gia đình ông đã gỡ bỏ ngôi nhà bằng cây gỗ tạm bợ để xây ngôi nhà tường khang trang: “Cũng có tôm, cua nhưng mà tôm cua ít, con sò nhiều hơn. Con sò đi đầu, mang lại hiệu quả rất là cao, cuộc sống gia đình mình ổn định. Nuôi sò nhàn hơn nuôi con cua mà hiệu quả rất là cao.”
hững tuyến đường quê ở xã Đông Thới đẹp hơn nhờ được chỉnh trang. Ảnh: VOV |
Khi mô hình nuôi sò bắt đầu phát triển cũng là thời điểm xã Đông Thới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nông thôn mới. Chính quyền địa phương đưa sò thành một trong những đối tượng nuôi chủ lực. Từ đó, nhân rộng mô hình đến nhiều hộ dân để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Với lợi nhuận đạt khoảng 100 triệu/ha/năm, nhiều hộ dân ở xã Đông Thới thoát nghèo, rồi trở lên khá giả nhờ nuôi sò. Thu nhập bình quân của người dân địa phương đã đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm, gấp gần 2 lần khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới.
Đời sống được nâng lên thì bà con cũng sẵn lòng góp công cùng của để làm mới nông thôn. Khi nhà nước vận động “cùng làm đường” người dân nhiệt tình ủng hộ. Như tuyến đường bê tông Kinh 1 dài hơn 3.500 mét làm xong năm ngoái được người dân hiến đất để hoàn thiện. Rất nhiều tuyến đường khác trên địa bàn xã Đông Thới cũng hoàn thành nhờ có sức dân.
Gần đây, chính quyền địa phương vận động thực hiện các tiêu chí như: làm hố rác, chỉnh trang nhà cửa, tạo cảnh quan,... khi bà con đã không còn phải lo cái ăn, cái mặc nữa thì rất bằng lòng. Đang thời điểm giãn cách xã hội, người dân cũng vẫn giữ quy định và hoàn thành các phần việc của mình.
Ông Nguyễn Văn Dớt người dân địa phương, chia sẻ: “Làm ngoài đồng vẫn làm. Vô trong nhà cũng làm thêm, chỉnh trang lại trồng thêm hoa, cảnh. Nghe tin thì tới tháng 11 là được công nhận Nông thôn mớirồi mà nếu không làm thì sao xã được công nhận. Cán bộ tới động viên mình nên phải có ý thức thực hiện, không thể để người ta mang cây lại trồng giùm luôn. Khi ra đường làm hay đi làm ruộng cũng bịt khẩu trang và thực hiện nghiêm 5K theo quy định của Bộ Y tế.”
Khi bắt đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới vào năm 2010, xã Đông Thới mới đạt 3 tiêu chí. Hiện xã cũng chỉ còn thiếu 3 tiêu chí để về đích. Trong điều kiện dịch bệnh, có những khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền địa phương vẫn đang nỗ lực để cuối năm nay được công nhận xã nông thôn mới.
Ông Võ Văn Triệu, Chủ tịch UBND xã Đông Thới, cho biết: “Trong thời điểm dịch bệnh này cũng có một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, xã quyết liệt tập trung thực hiện, phân ra từng đoàn nhỏ lẻ để đi từng nhà vận động hoàn thành các phần việc trong quá trình hiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Trong thời điểm này có thuận lợi là bà con giãn cách, đều ở nhà. Do đó việc rà soát lại các tiêu chí đã đạt thì giữ vững, tiêu chí nào còn thiếu thì nâng lên.”
Trong xây dựng nông thôn mới, một trong những tiêu chí quan trọng là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân. Xã vùng xa Đông Thời tuy khó khăn nhưng đã tận dụng rất tốt việc hoàn thành tiêu chí này để sau đó huy động sức dân đóng góp cho quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.