Bản Hụm ở Sơn La làm du lịch cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới

Chia sẻ
(VOV5) - Phát triển du lịch cộng đồng bằng việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình là cách mà đồng bào Thái ở Bản Hụm, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đang thực hiện. Số tiền thu được từ làm du lịch tuy chưa nhiều, nhưng đã và đang mở ra một hướng phát triển mới cho các bản làng ở vùng cao Sơn La, Tây Bắc trong xây dựng nông thôn mới.
(VOV5) - Phát triển du lịch cộng đồng bằng việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình là cách mà đồng bào Thái ở Bản Hụm, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đang thực hiện. Số tiền thu được từ làm du lịch tuy chưa nhiều, nhưng đã và đang mở ra một hướng phát triển mới cho các bản làng ở vùng cao Sơn La, Tây Bắc trong xây dựng nông thôn mới.


Bản Hụm ở Sơn La làm du lịch cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới - ảnh 1
Đội văn nghệ bản Hụm (Ảnh: internet)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:





Bản Hụm, xã Chiềng Xồm có vị trí khá thuận lợi là nằm ngay sát Thành phố Sơn La, có 125 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Thái sinh sống từ lâu đời. Từ năm 2012, được tỉnh Sơn La chọn làm điểm xây dựng bản du lịch cộng đồng, người dân bản Hụm tích cực học hỏi để có cách làm du lịch chuyên nghiệp, giới thiệu được nét đẹp truyền thống của dân tộc mình và tăng thu nhập cho bà con. Việc chú trọng phát triển du lịch tại bản Hụm giúp bà con từng bước thoát nghèo, phấn đấu xây dựng thành công nông thôn mới. Vốn là nông dân, nay làm du lịch, đồng bào không khỏi bỡ ngỡ, lo lắng bởi bao nhiêu đời nay, bà con chỉ biết tới việc cấy cày nương, ruộng. Chị Lù Thị Chiện, hội viên phụ nữ bản Hụm còn nhớ những ngày đầu tiên ấy: “Lúc đầu tôi và chị em ở bản rất lo lắng bởi ai cũng biết làm du lịch sẽ khó hơn làm nông nhiều. Sau này được hướng dẫn cách giao tiếp, giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa đặc trưng mà mình sẵn có, nên chúng tôi đã tự tin tham gia làm du lịch”.


Người Thái vốn có nhiều nét văn hóa dân tộc đặc sắc, từ các món ẩm thực, đến các phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, trò chơi dân gian… Vì vậy, khai thác những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để phát triển du lịch, là hướng đi ban đầu được Ban Du lịch cộng đồng bản Hụm xác định. Từ đây, lợi thế về văn nghệ bản được dịp phát huy cao độ. Chỉ từ 2 đội văn nghệ ban đầu, bản đã xây dựng thêm 1 đội văn nghệ du lịch; từng chi hội phụ nữ cũng thành lập thêm các đội văn nghệ khác nhau. Ban ngày chân lấm tay bùn là thế, nhưng ban đêm, các sơn nữ Thái, vốn xinh tươi như đóa Ban rừng, lại lung linh trong điệu múa xòe phục vụ du khách. Ngoài thưởng thức văn nghệ, đến bản Hụm, du khách sẽ được tham gia trực tiếp vào các hoạt động sản xuất thường ngày của bà con như đi nương, lội suối, bắt cá, dệt vải, nấu những món ăn truyền thống của người dân tộc…Ông Quàng Văn Khổ, Phó ban du lịch bản Hụm, cho biết: “Chỉ riêng về ẩm thực, Bản Hụm chúng tôi có rất nhiều món ăn ngon được du khách yêu thích. Điển hình là các món xôi nhuộm, cơm lam, cá ướp gia vị nướng giòn…Ngoài ra còn món canh bon nấu da trâu, gà tẩm bột mọ…Đây là các món ăn truyền thống của đồng bào Thái xưa và nay”.


Để giúp bà con biết làm du lịch chuyên nghiệp, mỗi năm, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh đều tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng giới thiệu, quảng bá văn hóa, ẩm thực của dân tộc; chia sẻ các kinh nghiệm trong quá trình làm du lịch…Ông Quàng Văn Phóng, trưởng bản Hụm, cho biết từ khi làm du lịch, bà con thay đổi nhiều về nhận thức. Đường làng ngõ xóm, cảnh quan môi trường luôn được giữ gìn sạch đẹp. Bên cạnh đó, bà con ở bản Hụm cũng được cán bộ bản kết hợp với các đoàn thể của xã, mỗi tháng một lần tổ chức tuyên truyền cho bà con hiểu về mô hình xây dựng Nông thôn mới. Xác định du lịch cộng đồng là cách xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao mức sống vật chất, tinh thần cho chính mình nên mỗi người dân ở bản đều tích cực tham gia, từ việc truyền bá, học hỏi cách thêu khăn, dệt vải, đến thể hiện các làn điệu dân ca Thái; tích cực sưu tầm để giới thiệu, quảng bá các nét văn hóa dân tộc đặc sắc… Ngoài việc góp ngày công phục dựng lại ngôi nhà sàn Thái cổ làm nơi sinh hoạt văn hóa chung, lưu giữ các đồ vật truyền thống của người Thái như trang phục, khung cửi, nhạc cụ, vật dụng lao động sản xuất…, nhiều hộ dân trong bản đã tự đầu tư nâng cấp nhà làm dịch vụ khách nghỉ qua đêm, tiến tới 100% số hộ trong bản sẽ làm du lịch cộng đồng. Ông Quàng Văn Phóng, trưởng bản Hụm, cho biết: “Việc khách từ các cơ sở đến với bản Hụm sẽ mang lại nhiều lợi ích cả về vật chất lẫn tinh thần cho bà con nên bà con rất phấn khởi. Do vậy, Ban du lịch của bản cũng đã bàn với nhau ngay trong cuối năm 2013 này và đầu năm 2014 sẽ cố gắng cho các con các cháu phải tập đan lát, dệt thổ cẩm, cả bài hát Thái, múa xòe, những trò chơi, rồi lễ hội hạn khuống…để phục vụ, vui lòng khách đến”.


Từ năm 2012 đến nay, Bản Hụm đã đón trên 20 đoàn khách đến thăm, trong đó nhiều đoàn khách quốc tế đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Ba Lan…Số tiền thu được từ làm du lịch chưa nhiều, nhưng phát triển du lịch từ những giá trị văn hóa truyền thống đã và đang là hướng xây dựng nông thôn mới đầy tiềm năng ở Bản Hụm, cũng như các bản làng ở vùng cao Tây Bắc./.

Thu Thùy

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu