Xây dựng dự án luật Chuyển đổi giới tính góp phần đảm bảo quyền con người

Chia sẻ
(VOV5) - Đây là các chính sách liên quan chặt chẽ đến quyền con người, quyền công dân, là một bước cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự.
Xây dựng dự án luật Chuyển đổi giới tính góp phần đảm bảo quyền con người - ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 23/5/2023. Ảnh: quochoi.vn

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong phiên thảo luận sáng nay (23/5) về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ việc đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Đây là điểm đáng chú ý trong công tác lập pháp của Quốc hội bởi đây là dự án luật do một đại biểu Quốc hội (đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội) đề nghị xây dựng.

Theo đề nghị của đại biểu Nguyễn Anh Trí, dự án luật gồm 4 nhóm chính sách: Điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính; Thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân; Xác nhận giới tính đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày luật có hiệu lực; Thẩm quyền, thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính.

Xây dựng dự án luật Chuyển đổi giới tính góp phần đảm bảo quyền con người - ảnh 2Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn). Ảnh: VOV

Đề cập nội dung này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, bày tỏ: "Đây là các chính sách liên quan chặt chẽ đến quyền con người, quyền công dân, là một bước cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Trong trường hợp dự án luật được Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đề nghị quy định rõ trách nhiệm các cơ quan hữu quan trong việc hỗ trợ soạn thảo luật."

Xây dựng dự án luật Chuyển đổi giới tính góp phần đảm bảo quyền con người - ảnh 3Đại biểu Thái Thị An Chung. Ảnh: quochoi.vn

Đồng tình với đề xuất của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình dự án Luật Chuyển đổi giới tính, đại biểu Thái Thị An Chung, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, cho rằng: "Hồ sơ đề xuất xây dựng dự án luật đã được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng và Chính phủ đã có cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ, giao cho các Bộ có liên quan hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong việc xây dựng, hoàn thiện trình dự án luật. Do đó tôi đề nghị Quốc hội nên đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào xem xét tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8."

Góp ý vào đề xuất xây dựng dự án luật Chuyển đổi giới tính, Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, đề nghị cần xem xét mở rộng phạm vi điều chỉnh cho cả cộng đồng LGBT, thay vì tập trung vào 2 đối tượng là nam và nữ. Ngoài ra, cần quan tâm đến vấn đề song giới, đồng giới.   

Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định về việc chuyển đổi giới tính.

Dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (trong đó có dự án Luật Chuyển đổi giới tính), điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, tại phiên họp đầu tháng 6 tới (ngày 2/6).

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu