Những thách thức Hy Lạp cần vượt qua sau tổng tuyển cử

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Một Chính phủ thiếu tính ổn định và bị hạn chế khả năng đưa ra quyết sách không phải là điều mà Hy Lạp lẫn EU mong muốn.

Ngày 21/5, Hy Lạp tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội thường kỳ nhằm chuẩn bị cho việc thành lập Chính phủ mới thay thế Chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis. Diễn ra trong bối cảnh Hy Lạp nói riêng và toàn châu Âu nói chung đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, cuộc tổng tuyển cử không chỉ được xem là một phép thử nghiêm khắc về mức độ tín nhiệm của cử tri đối với Chính phủ Hy Lạp đương nhiệm, mà còn có thể đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với cả Athen và châu Âu.        

Những thách thức Hy Lạp cần vượt qua sau tổng tuyển cử - ảnh 1Cử tri bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử tại Athens (Hy Lạp) ngày 21/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc bầu cử lần này tại Hy Lạp có tổng cộng 36 đảng và liên minh đảng tham gia tranh cử; gần 10 triệu cử tri đủ tư cách đi bỏ phiếu. Kết quả kiểm phiếu cho thấy đảng Dân chủ Mới cầm quyền của Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis tiếp tục nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri nhất (40,8%), gấp đôi so với số phiếu mà đối thủ lớn nhất là đảng cánh tả cấp tiến Syriza nhận được (20,1%). Đảng PASOK Xã hội chủ nghĩa về thứ ba. Tuy nhiên, do không giành được đa số ghế cần thiết, đảng Dân chủ Mới không thể tự đứng ra thành lập Chính phủ mới, đẩy chính trường Hy Lạp vào tình thế hoặc các đảng phải liên minh thành lập Chính phủ, hoặc phải tổ chức bầu cử vòng hai. Đây là kịch bản đã được nhiều nhà phân tích dự báo, phản ánh bối cảnh chính trị-xã hội phức tạp và thách thức hiện nay tại Hy Lạp.

Bối cảnh nhiều thách thức

Cuộc bầu cử Quốc hội mới tại Hy Lạp diễn ra trong bối cảnh khá bất lợi đối với Chính phủ và đảng cầm quyền. Về mặt kinh tế-xã hội, cũng như hầu hết các quốc gia châu Âu khác, Hy Lạp đang chịu nhiều tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine, đồng thời vẫn đang phải vật lộn với những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Chưa hết, Hy Lạp còn phải đối mặt với những khó khăn chồng chất sau hơn một thập niên chịu tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nợ tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. Hệ quả là sức mạnh nền kinh tế bị suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, phúc lợi xã hội của người dân bị cắt giảm… Đến tháng 8 năm ngoái, Hy Lạp mới được gỡ bỏ biện pháp giám sát tăng cường về tài chính kéo dài 12 năm của Liên minh châu Âu (EU). Bởi vậy, vực dậy nền kinh tế vượt qua những khó khăn chồng chất hiện nay được cho là nhiệm vụ thách thức nhất với bất kỳ Chính phủ mới nào trong nhiệm kỳ tới.

Không chỉ có vậy, chính trường của Hy Lạp cũng chưa thoát khỏi tình trạng căng thẳng kéo dài nhiều tháng qua liên quan đến cáo buộc Chính phủ của Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis nghe lén các chính trị gia, nhà báo và doanh nhân trong nước. Đỉnh điểm của căng thẳng là vào ngày 27/1 vừa qua, Quốc hội Hy Lạp phải tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ theo yêu cầu của phe đối lập. Mặc dù Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis và Nội các đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với tỷ lệ sít sao (156 phiếu ủng hộ và 143 phiếu chống), song sự kiện này đã cho thấy những rạn nứt và mâu thuẫn nghiêm trọng giữa các phe phái trên chính trường cũng như trong xã hội Hy Lạp. Thực tế này cũng được cho là một thách thức lớn nữa mà bất kỳ Chính phủ mới nào được thành lập tại Hy Lạp cũng phải vượt qua sau cuộc tổng tuyển cử lần này.          

Triển vọng

Theo nhiều nhà phân tích, kết quả của cuộc tổng tuyển cử đã phản ánh đúng những lo ngại của công chúng Hy Lạp và nhiều nhà lãnh đạo châu Âu. Đó là không chính đảng nào giành được đủ hơn 50% số ghế cần thiết tại Quốc hội nhiệm kỳ 4 năm tới để thành lập Chính phủ độc lập. Có nghĩa là 3 đảng giành nhiều ghế nhất sẽ phải đàm phán với nhau hoặc với các đảng khác để thành lập một liên minh cầm quyền. Với kịch bản này, bất kỳ đảng nào giành quyền thành lập Chính phủ cũng buộc phải chia sẻ quyền lực với đảng liên minh. Điều đó làm suy giảm khả năng của đảng lãnh đạo Chính phủ trong việc đưa ra các quyết sách một cách độc lập, đồng thời đối mặt với nguy cơ liên minh cầm quyền trong quá trình hoạt động có thể sụp đổ nếu không thỏa hiệp được với đảng liên minh trong trường hợp xảy ra mâu thuẫn hay bất đồng ý kiến. Rõ ràng, một Chính phủ thiếu tính ổn định và bị hạn chế khả năng đưa ra quyết sách không phải là điều mà Hy Lạp lẫn EU mong muốn.

Những thách thức Hy Lạp cần vượt qua sau tổng tuyển cử - ảnh 2Lãnh đạo đảng “Dân chủ mới” Kyriakos Mitsotakis bên những người ủng hộ tại Athens. Ảnh: Reuters

Điều này lý giải vì sao trong tuyên bố ngày 22/5 ngay sau khi được Tổng thống Katerina Sakellaropoulou chỉ định thành lập Chính phủ mới, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis khẳng định sẽ không xây dựng chính phủ liên minh, đồng thời bày tỏ hy vọng cuộc bỏ phiếu vòng 2 có thể diễn ra vào ngày 25/6 tới. Trong khi đó, người phát ngôn của đảng PASOK Xã hội chủ nghĩa, ông Dimitris Mantzos cũng nhận định: hiện không có khả năng cho hợp tác giữa các đảng để thành lập liên minh cầm quyền, do đó Hy Lạp có thể chuyển sang cuộc bỏ phiếu mới.

Với thực tế này, nhiều khả năng Tổng thống Hy Lạp sẽ phải chỉ định một Chính phủ tạm quyền để chuẩn bị cho cuộc bầu cử vòng 2. Việc tiến hành cuộc bầu cử vòng 2 được cho là sẽ làm tăng cơ hội chiến thắng cho Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis và Đảng Dân chủ Mới. Nhiều nhà phân tích đánh giá đây là kịch bản tốt nhất cho Hy Lạp trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, bất kỳ đảng nào khác giành quyền lãnh đạo Chính phủ cũng sẽ đối mặt thách thức và rủi ro lớn hơn, nhất là trong điều hành chính sách kinh tế, so với Đảng Dân chủ Mới – chính đảng đã chứng minh năng lực thực tế bằng việc giúp cho Hy Lạp năm ngoái đạt mức tăng trưởng kinh tế lên tới 5,1%, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 2,6% của EU.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu