Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) đang diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia. Bên cạnh khẳng định quyết tâm triển khai Kế hoạch xây dựng Cộng đồng, xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025, ASEAN tiếp tục phát huy trách nhiệm, duy trì đoàn kết, giữ vững vai trò trung tâm trong hợp tác, kiến tạo và gìn giữ hòa bình.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) tại Phnompenh, Campuchia, ngày 3/8. Ảnh: Tuấn Anh |
Với tinh thần “ASEAN Hành động: Cùng ứng phó các thách thức chung”, bên cạnh hợp tác nội khối, AMM 55 nhấn mạnh ứng phó các thách thức chung trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Lập trường của ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế
Thời gian qua, ASEAN nói chung, các nước thành viên ASEAN nói riêng luôn xác định không chọn bên mà chỉ chọn lợi ích của ASEAN. Với quan điểm rõ ràng như vậy thì ASEAN luôn có lập trường riêng của mình trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Trong quan hệ với các đối tác, ASEAN đề nghị đối tác phát huy cao độ lợi thế do các mối quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện mang lại, hợp tác với ASEAN xây dựng cộng đồng, cùng phấn đấu vì hoà bình, ổn định và phồn vinh chung. Các đối tác đề xuất nhiều biện pháp hợp tác sâu rộng và đa dạng nhằm hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, đẩy mạnh phục hồi, hướng tới phát triển bền vững. Trong số các sáng kiến này thời gian qua nổi lên những nội dung chiến lược, lâu dài như trao đổi thương mại, kết nối liên vùng, thu hẹp khoảng cách, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững… Đồng thời, các nước đề cập các biện pháp đã và đang được triển khai như hợp tác về y tế, an ninh biển, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng.
Tại Hội nghị lần này, trước các vấn đề đang nổi lên, ASEAN một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán về các vấn đề Biển Đông, Myanmar, Ukraine, Bán đảo Triều Tiên, căng thẳng giữa các nước lớn… ASEAN tái khẳng định lập trường, đồng thời kêu gọi các bên đề cao luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Các nước và các bên liên quan cần duy trì đối thoại, xây dựng lòng tin, lấy hoà bình làm mục tiêu, hợp tác làm công cụ, tôn trọng luật lệ, kiềm chế, tránh để bất đồng, mâu thuẫn trở thành xung đột. ASEAN cũng chia sẻ với đối tác những hoạt động của mình thực hiện đồng thuận 5 điểm về Myanmar, tiến độ xây dựng bộ Quy tắc Ứng xử COC hướng tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Lễ ký kết văn kiện mở rộng TAC cho Đan Mạch, Hy Lạp, Hà Lan, Oman, các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Qatar. Ảnh: dangcongsan.vn |
ASEAN ra Tuyên bố về những diễn biến tại Eo biển Đài Loan, bày tỏ quan ngại về nguy cơ bất ổn, hệ quả nghiêm trọng và khó lường đối với khu vực. Tuyên bố kêu gọi kiềm chế tối đa, tuân thủ các nguyên tắc Hiến chương Liên hợp quốc và TAC. Các nước ASEAN tái khẳng định ủng hộ chính sách ‘Một Trung Quốc’; đề cao tầm quan trọng của hợp tác, cùng tồn tại hoà bình và cạnh tranh lành mạnh vì mục tiêu hoà bình, an ninh, ổn định, phát triển bao trùm và bền vững.
ASEAN kiên trì đoàn kết, tạo "thương hiệu"
Có thể khẳng định, ASEAN là đối tác không thể thiếu trong các diễn đàn cấp cao đa phương trong khu vực, vai trò trung tâm của ASEAN vẫn luôn được coi trọng. Bản thân ASEAN và các đối tác đối thoại lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand đã thiết lập kênh đối thoại thượng đỉnh song phương (ASEAN+1) và các đối tác này cũng đã công nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác ở khu vực. Gần đây nhất, Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ đã diễn ra và được Tổng thống Joe Biden khẳng định là “sự kiện lịch sử”, sẽ mở ra “một kỷ nguyên mới” trong quan hệ giữa hai bên, cho thấy một cách tiếp cận, tầm nhìn chiến lược toàn diện của Washington với ASEAN. Tổng thống Biden khẳng định lại cam kết ủng hộ, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, mong muốn cùng ASEAN nâng quan hệ đối tác lên một tầm mức mới, chung tay giải quyết hiệu quả các thách thức nảy sinh tại khu vực.
Ngoài ra, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hợp tác ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF) với sự tham gia của các nước có lợi ích lớn ở khu vực đều thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN.
Nguyên tắc đồng thuận đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong quá trình hình thành và phát triển của ASEAN, là nền tảng then chốt cho sự hợp tác của Hiệp hội trong nhiều thập kỷ qua. Chính sự đồng thuận, có được tiếng nói chung, đã góp phần tạo dựng thương hiệu cho ASEAN là một khối vững chắc, giúp cho ASEAN trở thành động lực cho nhiều hợp tác khu vực và liên khu vực. AMM 55 tiếp tục phát huy trách nhiệm, duy trì đoàn kết, giữ vững vai trò trung tâm trong hợp tác, kiến tạo và gìn giữ hòa bình.