Việt Nam phản đối việc Trung Quốc xây dựng công trình trái phép xung quanh khu vực đá Gạc Ma

Chia sẻ
(VOV5) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. 

(VOV5) - Ngày 16/6, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc gần đây Trung Quốc đang tiến hành bồi đắp, mở rộng và xây dựng một số công trình kiên cố xung quanh một số đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa.

Việt Nam phản đối việc Trung Quốc xây dựng công trình trái phép xung quanh khu vực đá Gạc Ma - ảnh 1
Hình ảnh được Philippines công bố ngày 15/5 cho thấy Trung Quốc đang có hành động cải tạo đất tại Gạc Ma (Nguồn: AP)

Thời gian qua, tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã tiến hành một số hoạt động mở rộng xây dựng công trình trái phép xung quanh khu vực đá Gạc Ma cũng như một số điểm đảo khác ở khu vực Trường Sa mà đã bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép từ tháng 3/1988. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động phi pháp này của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động xây dựng mở rộng trái phép tại khu vực quần đảo Trường Sa cũng như các hành động đơn phương khác làm thay đổi hiện trạng của khu vực quần đảo Trường Sa cũng như các khu vực khác trên Biển Đông.

Liên quan đến chuyến thăm Việt Nam của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì sắp tới, ông Lê Hải Bình cho biết đây là cuộc gặp của hai chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc và vấn đề giàn khoan Hải Dương-981 chắc chắc được đề cập. Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh từ trước tới nay, Việt Nam luôn hết sức kiên trì trao đổi, tìm mọi kênh thông tin trao đổi đối thoại với Trung Quốc để giải quyết hòa bình các vấn đề căng thẳng ở Biển Đông. Vì vậy, cuộc gặp hai chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương chắc chắn là một kênh đối thoại để tìm giải pháp cho căng thẳng hiện nay ở Biển Đông./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu