Việt Nam lần đầu tiên có luật tín ngưỡng, tôn giáo

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) -  Với đa số tán thành, Luật tín ngưỡng, tôn giáo vừa được các đại biểu Quốc hội thông qua trong phiên họp chiều 18/11.
(VOV5) -  Với đa số tán thành, Luật tín ngưỡng, tôn giáo vừa được các đại biểu Quốc hội thông qua trong phiên họp chiều 18/11.

Luật gồm 9 chương, 68 điều, là khuôn khổ pháp lý cao nhất điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng, thay cho Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay.

Việt Nam lần đầu tiên có luật tín ngưỡng, tôn giáo - ảnh 1
Đại biểu thông qua Luật tín ngưỡng tôn giáo.


Luật quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo, điều kiện thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo; gia nhập tổ chức tôn giáo nước ngoài....Chủ  nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng: “Bố cục của dự thảo Luật đã được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, cơ bản bảo đảm tính khoa học, chặt chẽ, khẳng định, thể hiện quan điểm của Nhà nước đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của con người và trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.  

Đáng chú ý trong các quy định của luật, điều kiện về thời gian hoạt động để được xem xét công nhận của tổ chức tôn giáo đã thuận lợi hơn trước, thay vì 23 năm nay chỉ còn đủ 05 năm trở lên. Việc quy định tổ chức có đăng ký hoạt động tôn giáo sau một thời gian hoạt động mới được xem xét công nhận tổ chức tôn giáo là cần thiết, nhằm kiểm chứng thực tiễn hoạt động của tổ chức trước khi công nhận, bảo đảm tổ chức tôn giáo hoạt động ổn định, tồn tại lâu dài.

Về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, Luật tín ngưỡng tôn giáo khẳng định người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Họ có quyền sinh hoạt tôn giáo, tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; sử dụng địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo tập trung; mời chức sắc, chức việc, nhà tu hành thực hiện các lễ nghi tôn giáo, giảng đạo; mang theo xuất bản phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được giảng đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác ở Việt Nam. Về nội dung này, Chủ  nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình khẳng định: “Các quy định về hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài bảo đảm chặt chẽ, hợp lý, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời vẫn đảm bảo các quy định của luật pháp Việt Nam”.

Luật tín ngường, tôn giáo sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.  thay cho Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu