Việt Nam đóng góp thiết thức trong xử lý các vấn đề cấp thiết trên toàn cầu

Chia sẻ
(VOV5) -Các sáng kiến của Việt Nam thể hiện sự đóng góp có trách nhiệm của mình vào tăng cường hợp tác toàn cầu trong xử lý những vấn đề cấp thiết đang nổi lên.

Trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) và thăm Nhật Bản từ ngày 27/6 - 1/7 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Việc Việt Nam 4 lần được mời tham dự G20 trong vòng 10 năm, một diễn đàn đa phương quan trọng trong quản trị kinh tế toàn cầu, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Việt Nam, thế và lực cùng với uy tín của Việt Nam trên thế giới ngày càng nâng cao, sự trưởng thành và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào các vấn đề quốc tế và khu vực được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Việt Nam đóng góp thiết thức trong xử lý các vấn đề cấp thiết trên toàn cầu - ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên thứ 3 về Phát triển bền vững.
-Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết: Tại Hội nghị G20, các sáng kiến của Việt Nam thể hiện sự đóng góp có trách nhiệm của mình vào tăng cường hợp tác toàn cầu trong xử lý những vấn đề cấp thiết đang nổi lên. Đồng thời góp phần quan trọng vào thành công của đoàn Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay. Tại hàng loạt tiếp xúc song phương với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các lãnh đạo cấp cao nhiều nước và tổ chức quốc tế đều khẳng định ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020 và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021.

Về kết quả những hoạt động song phương với Nhật Bản, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Hai bên tái khẳng định coi nhau là đối tác quan trọng trong chính sách khu vực, nhất trí duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao. Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, phối hợp chặt chẽ để thực thi hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế vì lợi ích của hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác của khu vực và thế giới, nhất là khi Việt Nam sẽ đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và ràng buộc pháp lý.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu