Việt Nam đổi mới Giáo dục Đại học để phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Dự án Luật Giáo dục đại học cần đổi mới theo hướng hội nhập quốc tế, nhận diện đúng các phương pháp đào tạo, hình thức đào tạo.

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đã được trình lấy ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, đang diễn ra tại Hà Nội, với kỳ vọng sẽ tạo nên hệ thống chính sách, hành lang pháp lý tốt, cởi mở, thuận lợi cho giáo dục đại học phát triển. Đồng thời, những nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của giáo dục đại học Việt Nam. 

Việt Nam đổi mới Giáo dục Đại học để phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế - ảnh 1Các đại biểu Quốc hội khóa 14, kỳ họp thứ 5. 

Luật Giáo dục đại học (GDĐH) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua năm 2012, là đạo luật đầu tiên điều chỉnh về GDĐH. Qua 05 năm thực hiện, Luật GDĐH năm 2012 đã thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của GDĐH Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và GDĐH nói riêng. Thực tế 5 năm qua cho thấy GDĐH cần có môi trường pháp lý phù hợp hơn để bắt kịp và thích ứng với những thay đổi của khoa học công nghệ, đời sống văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội trên toàn thế giới. 

Đại biểu Triệu Thế Hùng, Đoàn Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, cho rằng:  "Thứ nhất, cần thiết phải đẩy mạnh tự chủ đại học, đây là một trọng điểm, trọng tâm then chốt phải cần được giải quyết triệt để và khả thi ở lần sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này. Dự thảo đã đẩy mạnh hơn về vấn đề tự chủ về nhân sự cũng như tự chủ về tài chính. Tuy nhiên, một điểm cũng rất cần thiết mà tôi xin đề nghị bổ sung, đó là về vấn tự chủ về học thuật. Giáo dục đại học là một lĩnh vực lao động trí tuệ với hàm lượng chất xám cao, vì thế đòi hỏi rất cao về tư duy khai phóng, sáng tạo của cả thầy và trò. Tự chủ đại học về học thuật cũng như tự do học thuật cũng là chìa khóa của sự thành công và là bí quyết phát triển giáo dục của các nước tiên tiến."

Theo tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDDH, yêu cầu đổi mới GDĐH để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Bộ Trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo, Phùng Xuân Nhạ, cho biết: Trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật Giáo dục Đại học năm 2012, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được ban hành sẽ giải quyết những đòi hỏi cấp bách trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thúc đẩy hệ thống giáo dục đại học phát triển.  "Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng xây dựng một số khái niệm tương đồng với quốc tế và các chuẩn cho GDĐH như chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn cơ sở GDĐH… làm công cụ quản lý nhà nước, tạo không gian thống nhất trong toàn hệ thống GDĐH Việt Nam. Quy định các loại cơ sở đào tạo trong hệ thống GDĐH gồm: đại học, trường đại học (bao gồm trường đại học và học viện) với các tiêu chí đặc trưng: Đại học phải là cơ sở GDĐH đào tạo đa lĩnh vực, trong đó có đào tạo sau đại học đến trình độ tiến sĩ ở một số lĩnh vực thế mạnh; có cơ cấu linh hoạt bao gồm tổ hợp các trường đại học, viện nghiên cứu thành viên và/hoặc các trường chuyên ngành.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng dự án Luật Giáo dục đại học cần đổi mới theo hướng hội nhập quốc tế, nhận diện đúng các phương pháp đào tạo, hình thức đào tạo đáp ứng thị trường lao động thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu