Việt Nam đẩy mạnh truyền thông về quyền con người

Chia sẻ
(VOV5) - Mục tiêu của Đề án là truyền thông về quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về các quyền con người

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028. Đề án thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Việt Nam đẩy mạnh truyền thông về quyền con người - ảnh 1Tập phục hồi chức năng cho các học sinh khuyết tật. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Ở ngoài nước, Đề án lựa chọn tổ chức truyền thông trực tiếp và trực tuyến hướng tới một số địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống; một số địa bàn ưu tiên phát triển quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước; trụ sở của các cơ quan quyền con người quốc tế như: New York (Mỹ), Geneve (Thụy Sĩ), Bangkok (Thái Lan)...Mục tiêu của Đề án là truyền thông về quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về các quyền con người; thông tin đầy đủ giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam; nâng cao uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người ở phạm vi trong nước, khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt, về đối ngoại, Đề án phấn đấu hoàn thành việc thực hiện khuyến nghị của quốc tế về tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về quyền con người đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận, bao gồm các khuyến nghị theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc chu kỳ III. Đề án tuyên truyền về luật pháp quốc tế về quyền con người, trong đó đặc biệt quan tâm tới 7 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu