Ngày 01/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định về đặc xá năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đây là đợt đặc xá thứ 9 kể từ khi Luật đặc xá ra đời, là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, vừa nghiêm minh trong xét xử người phạm tội, đồng thời khoan hồng, nhân đạo đối với những phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt, trở về với cộng đồng hướng thiện, rèn luyện tiến bộ \để trở lại làm người có ích cho xã hội.
Phó Thủ tướng Trường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá chủ trì cuộc họp xét duyệt hồ sơ, danh sách đề nghị Chủ tịch nước đặc xá trước thời hạn cho các phạm nhân đủ điều kiện đặc xá đợt 2/9/2022 diễn ra ngày 23/8. Ảnh: VOV |
Đặc xá là thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với phạm nhân, đồng thời khuyến khích người bị kết án phạt tù ăn năn, hối cải, tích cực học tập, lao động, cải tạo để hưởng sự khoan hồng của nhà nước.
Bảo đảm tính nghiêm minh, chặt chẽ
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã tiến hành nhiều đợt đặc xá, tha tù cho phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt, trở về với cộng đồng và những phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có điều kiện được đặc xá theo quy định của pháp luật.
Đặc xá năm 2022 một lần nữa tiếp tục khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước Việt Nam và truyền thống nhân đạo của dân tộc đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện, trở thành người có ích cho xã hội.
Trại giam Vĩnh Quang (Bộ Công An) thuộc xã Đạo Trù, Tam Đảo, Vĩnh Phúc hiện đang giam giữ khoảng 4000 phạm nhân. Ảnh: VOV |
Kể từ khi Chủ tịch nước ký quyết định đặc xá năm 2022, mặc dù trong thời gian ngắn, các Bộ, Ban, ngành liên quan và thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện Quyết định, các mặt công tác đều được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ đề ra. Hơn 3000 hồ sơ đề nghị đặc xá được kiểm tra, thẩm định nghiêm minh, chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch. Với Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, hàng nghìn người đã được hưởng niềm vui được khoan hồng, sớm trở về nhà đoàn tụ với gia đình, sẵn sàng với cơ hội làm lại cuộc đời. Những người từng một thời lầm đường, lạc lối đã phải trả giá cho những hành động vi phạm pháp luật, bị hạn chế một số quyền công dân theo quy định, tuy nhiên vẫn được trao cho một cơ hội để sửa sai, để lại được tận hưởng đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đó với tư cách của một công dân.
Đó chính là dấu ấn nhân văn lớn nhất của chủ trương đặc xá, phản ánh rõ nhất ưu tiên đảm bảo và thúc đẩy quyền con người trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Năm 2022 cũng là lần đặc xá thứ 9 kể từ khi Quốc hội thông qua Luật Đặc xá năm 2009. Qua 8 đợt thực hiện đặc xá, hơn 90 nghìn người được đặc xá trở về đã nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống ổn định, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội là rất thấp. Điều này thể hiện rõ công tác đặc xã đảm bảo yêu cầu, đúng đối tượng.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: "Năm 2021 chúng ta đặc xá hơn 3 nghìn phạm nhân và qua theo dõi có thể thấy, chỉ có 2 trường hợp được đặc xá là tái phạm tội còn lại là tất cả đều về nơi cư trú và hiện nay đang tích cực tái hòa nhập cộng đồng. Năm nay, Chủ tịch nước cho phép tiếp tục đặc xá để thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước".
Tất cả phạm nhân đều bình đẳng
Đáng chú ý, Luật đặc xá Việt Nam không chỉ áp dụng đối với phạm nhân người Việt Nam mà còn có quy định đặc xá đối với phạm nhân là người nước ngoài. Phạm nhân Chimechidike Ben, quốc tịch Nigieria, thi hành án tại Trại giam Vĩnh Quang, Tam Đảo, Vĩnh Phúc về tội môi giới, vận chuyển trái phép chất ma túy được gần 13 năm. Phạm nhân này được xét đặc xá năm nay, giảm án từ chung thân xuống 30 năm tù, chia sẻ: "Lúc đó chỉ muốn chết cho nhanh vì tương lai mờ mịt trước mắt. Tuy nhiên, khi về trại giam, nhận được sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ và Ban Giám thị nên tôi đã bình tâm trở lại. Lúc đó tôi không hiểu pháp luật Việt Nam nên không biết mức án mình phải nhận cao như thế khi vận chuyển số ma túy đó. Nếu biết trước tôi đã không làm. Khi mới chấp hành án, tôi buồn lắm, tôi trách mình không hiểu biết nên phải trả một cái giá quá cao. Sau này chấp hành án phạt tù xong, tôi sẽ trở thành tình nguyện viên đi tuyên truyền về phòng chống ma túy".
Hiện có khoảng 750 phạm nhân có quốc tịch nước ngoài đang chấp hành án tại các cơ sở giam giữ ở Việt Nam. Những phạm nhân có quốc tịch nước ngoài cũng được đối xử bình đẳng như các phạm nhân có quốc tịch Việt Nam trong các đợt đặc xá nếu đủ điều kiện...Tại cuộc họp xét duyệt hồ sơ, danh sách đề nghị Chủ tịch nước đặc xá trước thời hạn cho các phạm nhân đủ điều kiện đặc xá đợt 2/9/2022 diễn ra hôm 23/8 vừa qua, Phó Thủ tướng thường trực chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2022, khẳng định: "Một nguyên tắc của chúng ta là xem xét đúng đối tượng không để ai đủ tiêu chuẩn đặc xá mà không xét đặc xá, đồng thời cũng xem xét hết sức minh bạch, nghiêm túc để không lọt những trường hợp không đủ tiêu chuẩn được đặc xá. Các cơ quan đã tiến hành xem xét đặc xá, cho ý kiến và biểu quyết về danh sách đặc xá, số lượng đặc xá trong năm để trình lên Chủ tịch nước ký quyết định đặc xá".
Mặc dù số lượng người đặc xá trong những năm qua là lớn nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vẫn được bảo đảm, không xảy ra phức tạp do người được đặc xá gây nên. Thực tế, phần lớn người được đặc xá đã trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống và làm ăn lương thiện, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội rất thấp. Kết quả thực hiện công tác đặc xá không những thể hiện truyền thống nhân ái, khoan dung của dân tộc Việt Nam và chính sách khoan hồng của Nhà nước Việt Nam đối với người phạm tội mà còn góp phần thực hiện tốt Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm, bảo đảm các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, đối ngoại, được nhân dân trong nước đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao.