(VOV5) - Điều này được Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định khi trả lời phỏng vấn báo chí nhân chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Hội nghi Cấp cao Diễn đàn hợp tác Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30, và các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 2023. Ảnh: TTXVN |
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết: Hội nghị cấp cao APEC năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu chặng đường 25 năm Việt Nam gia nhập APEC. Đóng góp nổi bật của Việt Nam với hội nghị là những ý tưởng và đề xuất của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhằm ứng phó với các vấn đề cấp bách của kinh tế thế giới, đặc biệt là yêu cầu về một tư duy mới bao trùm, hài hoà và nhân văn. Chủ tịch nước cũng đã có những đề xuất cụ thể đối với sứ mệnh và nhiệm vụ của APEC trong giai đoạn mới nhằm thích ứng và tiếp tục thành công, đó là: duy trì và củng cố những thành tựu quan trọng về tự do hoá và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư tại châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu; hợp tác xây dựng khu vực tự cường, từng nền kinh tế tự cường, sẵn sàng ứng phó với các thách thức; tạo khuôn khổ hợp tác hỗ trợ các nền kinh tế thành viên tận dụng cơ hội phát triển, thúc đẩy động lực tăng trưởng. Tại Hội nghị, các nước nhất trí ủng hộ đề xuất của Việt Nam đăng cai năm APEC 2027 và tin tưởng vào vai trò Chủ tịch APEC 2027 của Việt Nam.
|
Về kết quả những hoạt động song phương của Chủ tịch nước với Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có các cuộc gặp, trao đổi với Tổng thống Joe Biden, Đặc phái viên về biến đổi khí hậu John Kerry; tiếp lãnh đạo 1 số thành phố, tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ và phát biểu tại một số diễn đàn, tọa đàm về kinh tế, kết nối địa phương... Qua các cuộc gặp, hai bên nhất trí nỗ lực tiếp tục triển khai kết quả thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, tập trung vào kinh tế - thương mại - đầu tư, trong đó Hoa Kỳ sớm trao Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam; coi khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là các lĩnh vực hợp tác mang tính đột phá, tiếp tục hợp tác giáo dục - đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ khẳng định tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, năng lượng; sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đào tạo lực lượng lao động có tay nghề cao phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.