Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Áo

Chia sẻ
(VOV5) - Thủ tướng đề nghị hai bên đẩy mạnh trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao nhằm tăng cường tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, tạo động lực thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Chiều nay (17/4), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Áo Alexander Schallenberg nhân dịp thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-18/4/2023.

Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Áo - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hoà Áo Alexander Schallenberg - Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Áo, một quốc gia thành viên quan trọng của Liên minh Châu Âu (EU). Thủ tướng đề nghị hai bên đẩy mạnh trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao nhằm tăng cường tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, tạo động lực thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực; mong muốn Áo tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, nông – thủy sản tiếp cận thị trường Áo và EU. Thủ tướng đề nghị Áo sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); ủng hộ việc Uỷ ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Schallenberg khẳng định Chính phủ Áo luôn coi Việt Nam là đối tác ưu tiên tại khu vực Đông Nam Á và mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Schallenberg nhất trí hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực lao động thông qua việc xem xét ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa hai chính phủ, triển khai dự án đào tạo giữa các trường đại học hai nước, đào tạo tại chỗ tại các doanh nghiệp Áo tại Việt Nam cũng như phát triển thị trường lao động đang có nhiều tiềm năng.

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và khu vực. Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông cũng như giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu