Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Ấn Độ, chiều tối qua (01/08), Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu “Tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu”, tại Hội đồng các Vấn đề Thế giới của Ấn Độ (ICWA).
Tối 1/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu tại Hội đồng các Vấn đề Thế giới của Ấn Độ (ICWA) - Ảnh: VOV |
Bài phát biểu gồm 3 nội dung chính, là: Tình hình thế giới và khu vực; Chủ trương, đường lối, chính sách, thành tựu và định hướng phát triển của Việt Nam; Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian tới.
Về tình hình thế giới hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng những vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay cần có tư duy toàn diện, tổng thể, đòi hỏi tất cả các nước, các thể chế đa phương phải kiên trì đối thoại, hợp tác trên tinh thần đoàn kết, thống nhất trong đa dạng để tìm ra các giải pháp hữu hiệu mang tính toàn dân, toàn diện và toàn cầu. Trong đó, đối với mối quan hệ đoàn kết, hợp tác và hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, 2 bên cần không ngừng được củng cố và phát triển, trở thành nhân tố tích cực đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực và toàn cầu.
Đề cập lý luận về đường lối đổi mới ở Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam tập trung thực hiện 6 chính sách, trong đó có chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế vì mục tiêu hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới; thực hiện đường lối đối ngoại đậm đà bản sắc “Ngoại giao cây tre: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”.
Cùng với đó Thủ tướng đã chia sẻ các thành tựu nổi bật của Việt Nam sau gần 40 năm Đổi mới, trong đó, nổi bật là Việt Nam là một trong 35 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại; thuộc top 46 nước đứng đầu thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD (2023), tăng gần 60 lần so với thời điểm bắt đầu Đổi mới. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6,5%/năm, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. An sinh xã hội, đời sống Nhân dân được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Chia sẻ về tầm nhìn, định hướng, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Việt Nam tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 6 lĩnh vực trọng tâm gồm: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo chuyển biến thực chất trong các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế; Làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, kết hợp hài hoà giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài; Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình, ổn định và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
Về quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ, Thủ tướng tin tưởng vững chắc vào triển vọng tươi sáng của quan hệ hai nước, sẽ tiếp tục “nở rộ dưới bầu trời thanh bình”.