Triển khai hiệu quả khoản viện trợ tiếp cận vaccine COVID-19 của Australia

Chia sẻ
(VOV5) - Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn việc Australia cam kết viện trợ cho Việt Nam 40 triệu AUD để tiếp cận vaccine COVID-19.
Triển khai hiệu quả khoản viện trợ tiếp cận vaccine COVID-19 của Australia - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Australia Scott Morrison - Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tại cuộc điện đàm chiều 25/05, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Thủ tướng Australia Scott Morrison để đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Australia ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Australia tiếp tục mở cửa thị trường hơn nữa cho một số nông sản và thủy sản Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp lớn của Australia tăng cường đầu tư vào Việt Nam, tập trung ODA hỗ trợ Việt Nam trong các dự án hạ tầng cơ sở, phát triển nông nghiệp, giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... cũng như thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn việc Australia cam kết viện trợ cho Việt Nam 40 triệu AUD để tiếp cận vaccine COVID-19 và khẳng định sẽ triển khai hiệu quả khoản viện trợ này; đồng thời đề nghị Australia ưu tiên cho Việt Nam tiếp cận trong thời gian sớm nhất nguồn vaccine AstraZeneca sản xuất tại nước này.

Về phần mình, Thủ tướng Scott Morrison mong muốn nâng cấp quan hệ ngoại giao lên thành Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Australia.

Hai Thủ tướng nhất trí cần đặt ra mục tiêu cao hơn trong việc phấn đấu tăng đầu tư, thương mại hai chiều, hướng tới phục hồi bền vững sau đại dịch, sớm hoàn tất và ký kết Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ, triển khai hiệu quả "Chương trình đối tác đổi mới Việt Nam - Australia giai đoạn 2022-2025".

Về vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không; giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, tiến tới đạt được COC thực chất, hiệu quả.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu