Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Chia sẻ
(VOV5) - Bộ Chính trị đã thống nhất tên gọi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (bổ sung từ “tiêu cực”), để bao quát được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

“Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bởi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp của Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN” để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực thời gian tới; diễn ra sáng 10/9 tại Trụ sở Trung ương Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống - ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Tại cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thời gian qua được thực hiện quyết liệt, có chuyển biến rõ nét.

Thời gian tới, công tác này phải tiếp tục được làm quyết liệt hơn nữa. Việc sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực là hết sức cần thiết, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Bộ Chính trị đã thống nhất tên gọi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (bổ sung từ “tiêu cực”), để bao quát được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi và sự tin tưởng của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu