Thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện hai nước lên tầm cao mới

Chia sẻ
(VOV5) - Mối quan hệ hữu nghị truyền thống của hai nước cũng được thể hiện thông qua việc phối hợp, giúp đỡ nhau tại các diễn đàn của khu vực và quốc tế.

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Vương quốc Campuchia từ ngày 20-22/7, báo "Rasmei Kampuchea" (Tia sáng Campuchia) ngày 20/7 có bài viết dài đánh giá mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam- Campuchia trong suốt chặng đường lịch sử.

Qua đó, nhấn mạnh chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện hai nước lên tầm cao mới vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, góp phần vào sự hòa bình, ổn định, quan hệ  hợp tác phát triển trong khu vực và quốc tế.

Thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện hai nước lên tầm cao mới - ảnh 1Ảnh: Báo Phụ nữ

Bài báo nhấn mạnh trải qua chẳng đường 50 năm lịch sử thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Campuchia đã gặt hái thành công trên nhiều lĩnh vực. Những năm qua, để tiếp tục gìn giữ và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ láng giềng tốt, hữu nghị truyền thống trên mọi lĩnh vực, hai nước tiếp tục có các chuyến thăm cấp nhà nước của lãnh đạo hai nước. Cùng với đó là sự gắn kết thông qua mối quan hệ thân ái của người dân sống ở các tỉnh có chung đường biên giới; đặc biệt là qua các Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia và Campuchia-Việt Nam. Trong lĩnh vực kinh tế, trao đổi giữa hai nước không ngừng phát triển. Nếu như, trong những năm 1997-1999, trao đổi thương mại giữa hai nước chỉ đạt mức khoảng 150 triệu USD/năm, thì đến giai đoạn 2005-2009, trao đổi thương mại tiếp tục tăng lên thêm 40%. Trong năm 2016, trao đổi thương mại song phương đạt 3 tỷ USD/năm.

Hai nước cũng thường xuyên trao đổi, phối hợp giúp đỡ nhau trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, giáo dục… Đồng thời, mối quan hệ hữu nghị truyền thống của hai nước cũng được thể hiện thông qua việc phối hợp, giúp đỡ nhau tại các diễn đàn của khu vực và quốc tế như: Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV), Hợp tác bốn nước Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam (CLMV), Chiến lược Hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayaoadi – Chaophaya – Mekong, ASEAN, ASEM, Liên hợp quốc, nhằm nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu