Dấu ấn đặc biệt trong quan hệ Việt Nam - Campuchia

Hồng Vân-Chánh Tuy
Chia sẻ
(VOV5) - Đây là chuyến thăm Campuchia lần thứ hai của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng Bí thư, sau chuyến thăm đầu tiên từ ngày 6-8/12/2011. 

Ngày 20/7, Tổng bí thư Ban chấp hành TW Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia, theo lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni . Chuyến thăm diễn ra từ 20 - 22/7 có ý nghĩa lịch sử đặc biệt và là sự kiện đánh dấu bước phát triển của quan hệ Việt Nam - Campuchia ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn.

Đây là chuyến thăm Campuchia lần thứ hai của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng Bí thư, sau chuyến thăm đầu tiên từ ngày 6-8/12/2011. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Campuchia vừa tổ chức hàng loạt hoạt động trọng thể kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Việt Nam luôn coi trọng việc phát triển quan hệ láng giềng, hữu nghị với Campuchia

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Campuchia của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia. Đặc biệt, trước đó, trong “Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2017”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thăm chính thức Campuchia (tháng 4/2017), như một sự khẳng định rõ ràng cho chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời giữa hai nước và chủ động đóng góp tích cực để phát triển mối quan hệ này.

Dấu ấn đặc biệt trong quan hệ Việt Nam - Campuchia - ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (TTXVN) 

Điều này cũng được các nhà lãnh đạo cấp cao Campuchia đáp lại qua các chuyến thăm Việt Nam mới đây, nhất là chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Samdech Techo Hun Sen, đồng thời là Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, và chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin cuối tháng 6 vừa qua.

Qua các chuyến thăm, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Campuchia luôn khẳng định quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong nửa thế kỷ qua là tài sản vô giá cần tiếp tục giữ gìn và vun đắp. Đây cũng là động lực để hai bên cùng thúc đẩy quan hệ đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững và phát triển lên một tầm cao mới theo phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định:Mặc dù có biết bao khó khăn thử thách với những thăng trầm của lịch sử, nhưng tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện tốt đẹp giữa Việt Nam- Campuchia đã không ngừng được củng cố và phát triển. Đây là tài sản vô giá, thiêng liêng và bền vững của hai dân tộc. Chúng ta tin tưởng rằng dù bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến chuyển như thế nào đi nữa thì hai nước, hai dân tộc Việt Nam- Campuchia sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện, vun đắp hơn nữa cho mối quan hệ này phát triển tốt đẹp. Đây không chỉ là trách nhiệm cao cả, là bổn phận của chúng ta hôm nay mà còn là của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước mai sau.

Hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực

Là hai nước láng giềng có chung đường biên giới trên đất liền dài khoảng 1137 km, có vùng biển liền kề, có chung dòng Mekong, Việt Nam và Campuchia không chỉ giành cho nhau sự giúp đỡ đặc biệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn tương trợ khá hiệu quả trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thông qua các hoạt động hợp tác.

Trên lĩnh vực kinh tế, Nam là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Campuchia. Tính đến nay, Việt Nam có gần 200 dự án đầu tư sang Campuchia, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 3 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai nước đạt trung bình khoảng 3 tỷ USD/năm trong những năm gần đây và đang phấn đấu để nâng lên 5 tỷ USD trong những năm tới. Định hướng đến năm 2020, nguồn vốn đầu tư của Việt Nam vào Campuchia sẽ đạt 6 tỷ USD.

 Để đạt được các mục tiêu này, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Thạch Dư cho rằng: Các doanh nghiệp hai nước cần đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị,tuyên truyền quảng bá rộng rãi về hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp.Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại như: cung cấp các thông tin về thị trường, bạn hàng tiềm năng; tổ chức các hội chợ thương mại tổng hợp và chuyên ngành. Triển khai các thỏa thuận/sáng kiến phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Theo hướng này thì tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi dành cho khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đã được đại diện chính phủ 3 nước ký năm 2008; Đàm phán và sớm đi tới ký kết Hiệp định mới thay thế Hiệp định về trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại biên giới mà hai nước đã ký kết 2001.

Hai bên đã phối hợp triển khai thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác về quốc phòng, an ninh, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, xã hội ở mỗi nước, an ninh, an toàn biên giới trên bộ và trên biển. Việt Nam và Campuchia tích cực phối hợp triển khai công tác phân giới cắm mốc trên đất liền. Đến nay, đã hoàn thành hơn 84% khối lượng công việc và quyết tâm  sớm hoàn thành công tác này nhằm xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia cũng đạt nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế cũng như gắn bó, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

50 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, mặc dù có nhiều khó khăn, thử thách nhưng tình đoàn kết, hữu nghị quyền thống, sự hợp tác toàn diện tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia không ngừng được củng cố, phát triển. Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Campuchia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa thể hiện ý chí của hai dân tộc Việt Nam và Campuchia trong việc củng cố và phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, đoàn kết tốt đẹp, đưa quan hệ Việt Nam - Campuchia đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu