Nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Vientiane, Lào, chiều 9/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra.
Nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 tại Viêng Chăn, Lào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra. Ảnh: VOV |
Hai Thủ tướng nhất trí chỉ đạo các cơ quan hữu quan triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, tích cực thực hiện Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam – Thái Lan giai đoạn 2022 – 2027 trên các lĩnh vực.
Hai bên cũng nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 25 tỷ USD; đánh giá cao tầm quan trọng của việc triển khai Chiến lược “Ba kết nối”, đặc biệt là kết nối chuỗi cung ứng và các lĩnh vực chiến lược như giao thông vận tải, kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng…; nhất trí sớm lập Nhóm công tác chung để xây dựng nội hàm và kế hoạch cụ thể triển khai chiến lược này.
Hai bên cũng nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, như: kinh tế, du lịch, giao thông, kết nối đa phương tiện, hợp tác địa phương; phối hợp với các nước liên quan triển khai thí điểm sáng kiến hợp tác du lịch “Sáu quốc gia, một điểm đến”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định tầm quan trọng trong việc tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin trong đấu tranh với các tổ chức khủng bố, phản động; bảo đảm không cho phép bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào sử dụng lãnh thổ của nước này để chống lại nước kia.
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra khẳng định sẽ thu xếp sớm thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp Nội các chung Việt Nam – Thái Lan lần thứ 4; nhấn mạnh Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Thái Lan tại khu vực Đông Nam Á và mong muốn sớm phát triển quan hệ với Việt Nam lên tầm cao mới.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí cần tăng cường hợp tác, giữ vững đoàn kết, thống nhất trong ASEAN; phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề quốc tế và khu vực; bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở khu vực Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; tuân thủ đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực.