Thủ tướng dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2019 - Ảnh VGP/Quang Hiếu
|
Chiều 02/05, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đồng chủ trì phiên toàn thể Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những thành quả lớn của đất nước sau 30 năm đổi mới, trong đó, kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Khẳng định vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của Việt Nam, Thủ tướng cho biết Chính phủ và cá nhânThủ tướng đã liên tục động viên tư nhân khởi nghiệp, nuôi dưỡng khát vọng lớn trong phát triển, kiến tạo các lĩnh vực dựa trên động viên nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau.
Trước khoảng 2.500 đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài, Thủ tướng đề cập đến tinh thần doanh nghiệp với ba nội dung, đó là: chí tiến thủ của nhà doanh nghiệp; doanh nhân cần kinh doanh liêm chính, tìm kiếm lợi nhuận chân chính; tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh.
Thủ tướng khẳng định: “Một khu vực tư nhân lớn mạnh, bền vững, bên cạnh khu vực doanh nghiệp Nhà nước hiệu quả hơn, khu vực kinh tế hợp tác xã năng động hơn sẽ tạo ra một tương lại thịnh vượng, bền vững hơn cho nền kinh tế Việt Nam. Khu vực kinh tế trong nước giàu tiềm lực, có tầm ảnh hưởng vượt biên giới quốc gia, sẽ góp phần lan tỏa sức mạnh mềm và ảnh hưởng của chúng ta trong khu vực và toàn cầu, không chỉ về phương diện kinh tế, mà trên tổng thể nhiều phương diện chiến lược khác”.
Toàn cảnh Diễn đàn - Ảnh VGP/Quang Hiếu
|
Sau phiên khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành có phiên đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp về những vấn đề thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Trả lời câu hỏi về những quyết sách của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới để kinh tế tư nhân đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Từ khóa cho khu vực này đó là: tạo sự bình đẳng, được bảo vệ, khích lệ, trao cơ hội. Nói về bình đẳng, kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn lực. Được bảo vệ ở chỗ là quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân phát triển. Được bảo vệ quyền hợp pháp theo quy định của pháp luật, đặc biệt là giảm chồng chéo tầng lớp thanh tra, kiểm tra, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân, tôn vinh những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Cuối cùng là trao cơ hội, tạo cơ hội tiếp cận công nghệ thị trường, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, làm ra môi trường thông thoáng minh bạch”.
Thủ tướng cũng trả lời câu hỏi về một số quyết sách thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam trong thời gian tới bằng việc hoàn thiện thể chế pháp luật, nhân lực, hạ tầng và thị trường để tạo điều kiện cho thế hệ trẻ nói riêng và các tầng lớp khác nói chung.
Tại hội nghị, lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đã hiến kế việc phát triển kinh tế tư nhân, trong đó cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa, đẩy mạnh phòng chống, tham nhũng; hoàn thiện các chiến lược phát triển ngành hàng trong dài hạn và tầm nhìn xa hơn; mở rộng miễn thị thực đối với một số nước để thúc đẩy phát triển du lịch và thu hút đầu tư; tạo lập các chuỗi nông, lâm thủy sản có giá trị cao để tạo sự bứt phá cho ngành nông nghiệp. Các doanh nghiệp cũng đề xuất các giải pháp phát triển nền kinh tế số, các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…