Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm và đồng chủ trì Tham vấn Chính trị tại Tây Ban Nha

Chia sẻ
(VOV5)- Tây Ban Nha khẳng định Việt Nam là một trong ba đối tác quan trọng nhất của Tây Ban Nha tại khu vực Đông Nam Á.
(VOV5)- Tây Ban Nha khẳng định Việt Nam là một trong ba đối tác quan trọng nhất của Tây Ban Nha tại khu vực Đông Nam Á.


Nhận lời mời của Bộ Ngoại giao và Hợp tác Tây Ban Nha, từ ngày 16-18/9 tại Madrid, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác Tây Ban Nha Ybanez Ignacio Rubio đồng chủ trì Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Tây Ban Nha. Trong thời gian thăm Tây Ban Nha, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã gặp Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Cạnh tranh Tây Ban Nha.


Tại  cuộc tham vấn, phía Tây Ban Nha khẳng định Việt Nam là một trong ba đối tác quan trọng nhất của Tây Ban Nha tại khu vực Đông Nam Á và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường và phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt, hiệu quả, thiết thực với Tây Ban Nha, vì lợi ích và nhu cầu phát triển và hội nhập của cả hai nước. Hai bên nhất trí cần làm sâu sắc hơn nữa các mặt hợp tác song phương trong khuôn khổ Đối tác chiến lược Việt Nam – Tây Ban Nha. Về quan hệ kinh tế, thương mại, hai bên khẳng định tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng cường tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm và kết nối đối tác, kể cả theo hình thức đối tác công – tư (PPP), ưu tiên hợp tác trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và Tây Ban Nha có thế mạnh như cơ sở hạ tầng, năng lượng, môi trường. Hai bên đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, khẳng định sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, khu vực và quốc tế.


Về vấn đề Biển Đông, phía Tây Ban Nha chia sẻ quan điểm và ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu