Tạo chuyển biến về chất trong cuộc sống của đồng bào dân tộc

Hồng Vân
Chia sẻ

(VOV5) - Các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử về nhóm vấn đề thực hiện chương trình Phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn

(VOV5) - Các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử về nhóm vấn đề thực hiện chương trình Phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn.

Trong khuôn khổ phiên họp thứ 36 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chiều nay, các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử về nhóm vấn đề thực hiện chương trình Phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi ( chương trình 135); giải quyết đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào di cư.

Đánh giá về kết quả Chương trình 135 trong thời gian qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử khẳng định Chương trình đã thu được nhiều thành quả quan trọng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và điều này được quốc tế công nhận. Trên thành công đó, Thủ tướng đã phê duyệt kéo dài việc thực hiện Chương trình 135 đến năm 2020. Cùng với Chương trình 135, Việt Nam còn triển khai nhiều chương trình mục tiêu khác để đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo. Điều này vô hình chung dẫn đến lãng phí nguồn lực, chống chéo chính sách.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử cho biết: Giải pháp đột phá là phải thay đổi phương pháp xây dựng kế hoạch. Theo chỉ đạo của Chính phủ và tới đây sẽ trình Quốc hội kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, chúng tôi đề nghị giao cho chúng tôi xây dựng chương trình này thành các chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cần sắp xếp, tổ chức sao cho hiệu quả, thu gọn đầu mối, tránh chồng chéo. Chính sách đi liền với nguồn lực. Chúng tôi kỳ vọng chúng ta có nhận thức mới từ TW đến địa phương để hỗ trợ cho đồng bào.

Tạo chuyển biến về chất trong cuộc sống của đồng bào dân tộc - ảnh 1
Chánh án Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Giào Seo Phử sẽ đăng đàn trả lời chất vấn

Việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc là vấn đề rất lớn và được đề cập nhiều tại phiên chất vấn. Thực trạng hiện nay là nhiều địa phương không còn quỹ đất để bố trí cho đồng bào sản xuất nông nghiệp. Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết năm 2014, Bộ nông nghiệp dành gần 540 tỷ đồng chủ yếu hỗ trợ về giống, công cụ, các mô hình khuyến nông để giúp đồng bào sản xuất. Bộ cũng thực hiện đề án đổi mới sắp xếp nông, lâm trường quốc doanh theo 3 hướng, trong đó yêu cầu các nông trường rà soát lại diện tích nếu không sử dụng thì chuyển về địa phương để địa phương cấp cho dân: Về hỗ trợ đất sản xuất, phải giải quyết ngay từ gốc. Thứ hai là rà soát lại quỹ đất của các địa phương,  nhất là đất của các nông lâm, trường để xây dựng các khu dân cư. Thứ 3 là chủ yếu bố trí xen ghép vào các chương trình dự án đã có. Đây là giải pháp chính ở những nơi có tỷ lệ di dân tự do cao.

Cũng tại phiên chất vấn, các đại biểu đề cập việc dạy nghề cho lao động vùng đồng bào dân tộc, việc xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất.
Trước đó, sáng nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội chất vấn Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình về tình hình oan sai trong tố tụng hình sự. Đề cập  những giải pháp chống oan sai trong thời gian tới, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết sẽ tập trung làm tốt việc thiết kế chương tranh tụng, phát huy vai trò của luật sư; quy định rõ quyền tư pháp của tòa án

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh 2 nhiệm vụ chính đối với lĩnh vực tư pháp là hàng năm phải giảm oan sai trong các giai đoạn điều tra, tố tụng đến xét xử; tiếp tục hoàn thiện thể chế (các luật liên quan đến thi hành Hiến pháp 2013). Về công tác dân tộc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc miền núi năm 2015; rà soát các chính sách vùng dân tộc thiểu số gắn với đó là tổ chức lại nhiều chương trình mục tiêu để Chính phủ trình Quốc hội trong năm nay./.

           



Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu