Quốc hội chất vấn Thủ tướng về nợ công và bảo vệ chủ quyền biển đảo

Chia sẻ
(VOV5) - Thủ tướng cho biết: “Chính phủ sẽ quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, phấn đấu 2020 nợ công giảm còn 60,2% GDP.

(VOV5) - Thủ tướng cho biết: “Chính phủ sẽ quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, phấn đấu 2020 nợ công giảm còn 60,2% GDP.


Sau hơn 2 ngày làm việc, phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội đối với 5 thành viên Chính phủ kết thúc chiều nay, với phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.


Quốc hội chất vấn Thủ tướng về nợ công và bảo vệ chủ quyền biển đảo - ảnh 1


Đề cập vấn đề quản lý nợ công, Thủ tướng khẳng định đây là vấn đề được Đảng, nhân dân đặc biệt quan tâm. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và yếu kém nội tại, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong vài năm trở lại đây. Trong khi phải giảm thu ngân sách để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thì vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho an sinh xã hội, tăng lương theo lộ trình, tăng cường quốc phòng an ninh và chi trả nợ đến hạn... Do đó, để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam tăng vay nợ, dẫn đến nợ công tăng nhanh, dự kiến lên 64% vào cuối 2015. Tuy  mức nợ công này nằm trong giới hạn nhưng nếu chủ quan sẽ gây mất an toàn tài chính quốc gia. Về giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết: “Chính phủ sẽ quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, phấn đấu 2020 nợ công giảm còn 60,2% GDP đồng thời kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ khác như nợ đầu tư xây dựng cơ bản, nợ vay của Quỹ bảo hiểm xã hội và nợ của doanh nghiệp Nhà nước. Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình thiết yếu quan trọng. Cần tăng cường kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn vay, chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vị tiêu cực. Khẩn trương cơ cấu lại nợ công. Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý việc vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng để từ năm 2015 bảo đảm tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ này trong giới hạn quy định (dưới 25% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa dịch vụ hàng năm)”.

Về xử lý nợ xấu, Thủ tướng khẳng định không sử dụng ngân sách để giải quyết vấn đề này. Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhất là mua – bán nợ; tăng  cường kiểm tra, giám sát thanh tra nợ xấu; phát triển thị trường chứng khoán, bất động sản, phấn đấu cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn 3%, đảm bảo an toàn cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về chủ trương phát triển kinh tế biển, Thủ tướng cho biết Đảng đã có Nghị quyết về chiến lược biển, Chính phủ cũng có kế hoạch, có chương trình hành động và đã triển khai thực hiện. Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn cần nỗ lực hơn trong đầu tư phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục làm việc này dựa trên khả năng ngân sách và tình hình giải quyết nợ công.

Liên quan đến chính sách đối ngoại của Việt Nam trước tình hình Biển Đông hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Đối với tất cả các nước, chúng ta thực hiện kiên trì đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng, Nhà nước. Đối với Trung Quốc,Việt Nam luôn mong muốn Trung Quốc chân thành hợp tác để cùng phát triển, cùng có lợi, cùng giải quyết bất đồng về biên giới lãnh thổ trên biển theo luật pháp quốc tế, theo thỏa thuận của lãnh đạo 2 nước. Chúng ta vừa hợp tác, vừa đấu tranh để có hòa bình, ổn định, để có hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, để bảo vệ độc lập chủ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam. Việc gần đây Trung Quốc thay đổi hiện trạng trên 1 số đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã vi phạm điều 5 Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam phản đối hành động này của Trung Quốc và Việt Nam cũng nêu rõ lập trường này  tại nhiều hội nghị quốc tế vừa qua”.

Tại phiên chất vấn, Thủ tướng cũng đưa ra nhiều giải pháp để giảm nghèo nhanh và bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài...

Phát biểu kết thúc hơn 2 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định các phiên chất vấn đã nhận được phản hồi tích cực từ cử tri và đại biểu Quốc hội, cho thấy quyết tâm chung của Chính phủ là phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Quốc hội giao. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị sau chất vấn, các Bộ trưởng, Trưởng ngành sẽ thực hiện thắng lợi các cam kết của chính mình trước cử tri để báo cáo trong kỳ họp tới./.  

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu