Tăng cường hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp của Việt Nam và Ấn Độ

Chia sẻ
(VOV5) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn trao đổi, chia sẻ với Hạ viện Ấn Độ kinh nghiệm trong xây dựng thể chế và huy động, phân bổ nguồn lực cho phục hồi, phát triển sau đại dịch.

Ngày 19/4, nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hạ viện Cộng hoà Ấn Độ Om Birla và Đoàn đại biểu Nghị viện Cộng hoà Ấn Độ đã đến Thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19-21/4.

Tăng cường hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp của Việt Nam và Ấn Độ - ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla. Ảnh: Lê Tuyết/ VOV

Chiều cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Lễ đón Chủ tịch Hạ viện Om Birla và Đoàn đại biểu Nghị viện Ấn Độ.

Tại cuộc hội đàm sau Lễ đón, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng việc tăng cường hợp tác giữa hai Cơ quan lập pháp hai nước sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất trong thời gian tới, góp phần quan trọng đảm bảo hoà bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên thế giới; đồng thời khẳng định, sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn trao đổi, chia sẻ với Hạ viện Ấn Độ kinh nghiệm trong xây dựng thể chế và huy động, phân bổ nguồn lực cho phục hồi, phát triển sau đại dịch. Chủ tịch Om Birla đề nghị hai nước đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, dịch vụ, chuyển đổi số, tăng cường kết nối doanh nghiệp, đặc biệt đưa ngành công nghệ thông tin, dịch vụ trở thành hợp tác chiến lược.

Tăng cường hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp của Việt Nam và Ấn Độ - ảnh 2Quang cảnh buổi hội đàm. Ảnh: Lê Tuyết/ VOV

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Việt Nam coi Ấn Độ là cường quốc toàn cầu và ủng hộ Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn trong các thể chế đa phương, duy trì và bảo đảm trật tự thế giới đa cực, dựa trên luật pháp quốc tế, ủng hộ Ấn Độ trở thành Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi cơ chế này được mở rộng, gia nhập Diễn đàn hợp tác Châu Á – Thái Bình Dương (APEC); hoan nghênh Ấn Độ đẩy mạnh chính sách “Hành động hướng Đông”, tham gia sâu vào các cơ chế do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dẫn dắt.

Về Biển Đông, hai bên nhất trí sự cần thiết của việc giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Về tình hình ở Ukraine, hai Bên khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, mong muốn các bên liên quan thúc đẩy đối thoại, đàm phán để chấm dứt chiến sự, lập lại hòa bình trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của các bên, phù hợp với luật pháp quốc tế, đảm bảo an toàn của người dân, giải quyết các vấn đề nhân đạo.

Tăng cường hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp của Việt Nam và Ấn Độ - ảnh 3Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla thăm phòng truyền thống tại Nhà Quốc hội. Ảnh: Lê Tuyết/ VOV

Về hợp tác nghị viện, hai Chủ tịch nhất trí tăng cường trao đổi, tiếp xúc giữa các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, hợp tác giữa các ủy ban chuyên trách, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, thông qua các đạo luật, công tác kiểm tra, giám sát bầu cử, đồng thời tích cực tham vấn, phối hợp lập trường tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; tăng cường hợp tác quốc tế ứng phó đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, phát triển xanh, bền vững, đổi mới sáng tạo.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội hai nước kiến nghị Chính phủ hai nước thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận, hiệp định đã ký kết, phối hợp chặt chẽ tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1972 - 2022).

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu