Ngày 1/11, tại Hà Nội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 - 2020.
Đại biểu Quốc hội phát biểu trên Hội trường |
Các đại biểu Quốc hội góp ý Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tập trung đầu tư công vào các dự án trọng điểm. Ông Lê Công Nhường, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, góp ý: “Chính phủ có 7 giải pháp phát triển kinh tế, xã hội cho năm 2018, tôi xin bổ sung thêm 1 giải pháp. Đó là tiếp cận và triển khai cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 gồm kết hợp công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước về các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ nhằm tạo bước đột phá, nâng cao năng suất, chất lượng nền kinh tế từ năm 2018 trở đi.”
Các đại biểu Quốc hội đề nghị chú trọng đầu tư vào khoa học và công nghệ, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Có ý kiến cho rằng dịch vụ logistic có điều kiện phát triển ở Việt Nam và là giải pháp trực tiếp góp phần tăng trưởng nhanh và bền vững, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ông Nguyễn Quốc Bình, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng: “Tôi kiến nghị xác định logistic là một ngành kinh tế dịch vụ mũi nhọn, trọng điểm. Cần gấp rút xác định vị trí xây dựng cảng trực tuyến quốc gia đón tàu đi thẳng đến thị trường quốc tế không qua trung chuyển. Trước mắt chưa có cảng trực tuyến quốc gia thì chú trọng khai thác cụm cảng nước sâu đã xây dựng. Xây dựng trục đường sắt 2 chiều Bắc - Nam làm xương sống cho hệ thống logistic nội địa, tiến tới hình thành các trung tâm logistic quốc tế tại Việt Nam.”
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tham gia giải trình, giải đáp một số vấn đề cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Về công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp cùng các bộ ngành để xây dựng thực hiện các chính sách đồng bộ, cả về tín dụng cũng như các cơ chế ưu đãi về chuyển giao công nghệ, tiếp cận công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Hướng tới tham gia vào các chuỗi để có những thị trường lớn hơn để đảm bảo đầu ra cho các doanh nghiệp. Trong lĩnh vực dệt may xây dựng các trung tâm dệt may đáp ứng yêu cầu hội nhập và khai thác các cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do.”
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định ngành công thương tiếp tục tăng cường phối hợp với các lực lượng liên ngành đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; phấn đấu tới năm 2020 giải quyết triệt để 12 dự án tồn đọng.
Trong ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng giải trình, giải đáp các vấn đề liên quan tới ngành.