Trong 2,5 ngày thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.
Đại biểu Quốc hội phát biểu trên Hội trường sáng 31/10 |
Báo cáo về kinh tế, xã hội và ngân sách Nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14. Các đại biểu bày tỏ nhất trí với Báo cáo này và tin tưởng tất cả 13 chỉ tiêu năm 2017 sẽ đạt và vượt so với kế hoạch. Trong số đó, đáng chú ý là: Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu là 14,4%; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) là 6,7%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%. Tuy nhiên để đạt được những chỉ tiêu này cần phải có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, kết hợp nội lực trong nước và tranh thủ nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Ông Nguyễn Thanh Hải, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, cho rằng: "Tôi thấy cần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư một cách có hiệu quả hơn nữa. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Tôi đề nghị tiếp tục thực hiện tinh gọn, tinh giảm bộ máy biên chế, đặc biệt là việc phân cấp, phân quyền. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao trách nhiệm của bộ máy công quyền, sắp xếp lại bộ máy cán bộ sao cho có hiệu quả”.
Trong lĩnh vực công nghiệp, một số ý kiến cho rằng cần chú trọng chuyển đổi mô hình từ công nghiệp gia công lắp ráp là chủ yếu sang công nghiệp chế biến, chế tạo. Tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để tranh thủ tiến bộ khoa học, công nghệ, tiến bộ trong quản lý và chuyển giao công nghệ. Các đại biểu Quốc hội cũng lưu ý đầu tư công vào các dự án trọng điểm có chọn lọc, ưu tiên. Ông Hoàng Văn Hàm, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, góp ý: “Tôi đề nghị Chính phủ ưu tiên giảm bội chi, tiết kiệm trả nợ, kiểm sát chặt chẽ việc ký kết, quản lý và sử dụng vốn vay ODA. Hai là cân nhắc cắt giảm 13.000 tỷ đồng trái phiếu chưa phân bổ vì nếu không khó giữ được bội chi năm 2018. Ba là sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công năm 2018, dành nguồn cho 2 dự án quan trọng quốc gia. Bố trí thu hồi tối thiểu nợ 30% xây dựng cơ bản và vốn ứng trước để đảm bảo đến năm 2020 trả hết nợ đọng và thu hồi vốn đối ứng”.
Các đại biểu Quốc hội cũng lưu ý tiếp tục phát động chiến dịch khởi nghiệp cho các doanh nghiệp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu, tạo nền tảng cho giai đoạn tiếp theo để nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.