Xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Chia sẻ
(VOV5) - Các đại biểu Quốc hội đề xuất tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, chất lượng. 

Xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả - ảnh 1

Xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả (Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn)

Tiếp tục kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ngày 30/10, tại Hà Nội, các đại biểu Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

Đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng hiện nay bộ máy hành chính Nhà nước còn cồng kềnh, hiệu quả chưa cao. Các đại biểu Quốc hội đề xuất tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, chất lượng. Quốc hội quan tâm đến vấn đề xây dựng luật làm sao không để tăng thêm biên chế và tăng cường giám sát. Đối với Chính phủ phải sắp xếp bộ máy hành chính tinh gọn, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, giảm cấp trung gian, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm.

Ông Phùng Đức Tiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, góp ý: “Tôi đề xuất giải pháp khẩn trương xây dựng hoàn thiện đưa vào áp dụng đồng bộ hệ thống Chính phủ điện tử. Đây là xu hướng cần thiết trong thời kỳ phát triển khoa học công nghệ, bùng nổ công nghệ thông tin. Xây dựng cơ chế tương tác của người dân với hệ thống hành chính quốc gia, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá, hiệu lực, hiệu quả của cải cách bộ máy hành chính ở Việt Nam, xây dựng nền hành chính kiến tạo và phục vụ người dân”.

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị trước hết chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm giảm áp lực ngân sách, giải thể những đơn vị hoạt động không hiệu quả. Ông Lê Anh Tuấn, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng: “Tôi tán thành việc thiết lập cơ chế không nhất thiết cấp trên có cơ quan tổ chức nào thì cấp dưới có cơ quan tổ chức đó. Không nhất thiết các đơn vị, địa phương phải có mô hình tổ chức bộ máy giống nhau. Bên cạnh đó sắp xếp giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chính phủ phù hợp hơn với thông lệ quốc tế”.

Các đại biểu Quốc hội cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng rà soát đề án vị trí việc làm cho sát thực tế và có lộ trình thực hiện; xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ công chức, dựa trên năng lực. Việc tách hoặc sát nhập giữa các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước phải xem xét thận trọng, đặc biệt tránh sát nhập rồi lại tách. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu