Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 23/10, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần cuối vào dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 23/10, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần cuối vào dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Dự thảo Bộ luật sau khi chỉnh lý gồm 17 Chương và 220 Điều; đã thể hiện được 10 điểm mới chủ yếu đối với người lao động và 6 điểm mới chủ yếu đối với người sử dụng lao động, trong đó có một số nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý như: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Thời giờ làm việc bình thường; Giải quyết tranh chấp lao động...

 Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) - ảnh 1 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: "Đối với người lao động, lần đầu tiên mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động đối với người làm việc không có quan hệ lao động. Bổ sung quy định cụ thể hơn về các trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm nhằm bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động. Điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Quy định thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động, phù hợp với các Công ước của ILO, các cam kết quốc tế khác và tạo thuận lợi trong quá trình hội nhập quốc tế."

Thảo luận tại hội trường, ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng: Bộ luật Lao động (sửa đổi) được sửa đổi cơ bản, toàn diện, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; Bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động...

Ông Võ Đình Tín, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, cho rằng: Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

"Để hoàn thiện Bộ luật, tôi xin đóng góp ý kiến: Về tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở. Tôi tán thành việc thành lập tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở. Tuy nhiên đề nghị cơ quan soạn thảo chỉ quy định về những vấn đề mang tính nguyên tắc và chung nhất vào dự thảo, nhằm đảm bảo quyền, nghĩa vụ cơ bản của người lao động theo Hiến pháp 2013. Còn nội dung cụ thể về điều kiện, thủ tục, hồ sơ đăng ký thành lập của tổ chức người lao động ngoài hệ thống Tổng liên đoàn lao động Việt Nam giao Chính phủ quy định chi tiết. Điều này sẽ tạo hành lang pháp lý, không làm phức tạp tình hình quan hệ lao động, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cũng như thực tế đã diễn ra tại nhiều quốc gia khác."

Theo Chương trình, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) vào ngày 20/11.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu