Quốc hội cho ý kiến dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Chia sẻ
(VOV5) - Hai vấn đề lớn được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận là quy định về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và quy định về chất vấn và xem xét trả lời chất vấn.

(VOV5) - Hai vấn đề lớn được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận là quy định về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và quy định về chất vấn và xem xét trả lời chất vấn. 

Sáng 11/08, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 40, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Đa số ý kiến tán thành Luật chỉ nên quy định chung có tính nguyên tắc về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; còn quy trình, thủ tục cụ thể như thế nào sẽ thực hiện theo Nghị quyết 85 của Quốc hội. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị việc bỏ phiếu tín nhiệm phải được quy định cụ thể ngay trong Luật này. 

Quốc hội cho ý kiến dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân - ảnh 1
Phiên họp 40 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Bà Trương Thị Mai phân tích: " Bỏ phiếu tín nhiệm là một quyền quy định cho Quốc hội, tại khoản 8 điều 70 là bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là quy định của Hiến pháp và đi xuyên suốt tất cả các Hiến pháp cho đến Hiến pháp năm 2013. Vì vậy theo tôi bỏ phiếu tín nhiệm phải được quy định cụ thể mà bản chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Quy trình này khác hoàn toàn với lấy phiếu tín nhiệm, nó rất chặt chẽ. Còn lấy phiếu tín nhiệm có thể dẫn chiếu tới Nghị quyết của Quốc hội vì lấy phiếu tín nhiệm mình mới làm trong nhiệm kì này và mình còn thời gian để tiếp tục đánh giá tổng kết nữa”.
         

Về giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị trong lần sửa đổi này sẽ tiếp tục kế thừa pháp luật hiện hành quy định Thường trực Hội đồng nhân dân ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã đều có thẩm quyền giám sát.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu