Chiều qua (2/11), tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU), Valdis Dombrovski đang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Phó Chủ tịch EC, Cao ủy Thương mại EU thúc đẩy Nghị viện một số nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) để Hiệp định sớm có hiệu lực và được thực thi hiệu quả, bảo hộ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp hai bên; khuyến khích các doanh nghiệp EU đầu tư vào Việt Nam, nhất là các dự án chất lượng cao trong các lĩnh vực, như: công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, logistics; hỗ trợ Việt Nam về vốn, công nghệ, pháp luật, nhân lực, phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng, ứng phó với biến đổi khí hậu, hiện thực hóa tuyên bố chính trị về thiết lập đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam với các nước G7.
Ảnh: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu-Cao ủy Thương mại EU Valdis Dombrovkis. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn EC sớm gỡ "thẻ vàng" IUU đối với Việt Nam và nhấn mạnh, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với EU để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, hướng đến hợp tác thủy sản bền vững giữa hai bên; đề nghị EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các dự án khai thác thuỷ sản bền vững và chuyển đổi sinh kế cho ngư dân Việt Nam.
Phó Chủ tịch EC, Cao ủy Thương mại EU, Valdis Dombrovski nêu rõ Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của EU cũng như các nước thành viên EU và hiện còn nhiều lĩnh vực tiềm năng để hai bên hợp tác, như: dược phẩm, thực phẩm, công nghiệp ô tô. Ông Valdis Dombrovski cũng thông báo EC đang soạn thảo và xây dựng kế hoạch huy động vốn nhằm thực hiện JETP và dự kiến sẽ công bố tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên hợp quốc - COP 28, dự kiến diễn ra từ cuối tháng này tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Về chống khai thác IUU, EC ghi nhận những nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong hoàn thiện khung khổ pháp lý, cam kết sẽ sớm cử đoàn sang Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề liên quan.