Phiên họp thứ nhất Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Chia sẻ
(VOV5) - Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị quan trọng có ý nghĩa định hướng tương lai, động viên toàn đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Chiều 7/1, tại Hà Nội, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã tiến hành Phiên họp đầu tiên, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện. Cùng tham dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; cùng các thành viên Tiểu ban Văn kiện, Thường trực Tổ Biên tập giúp việc Tiểu ban Văn kiện.

Phiên họp thứ nhất Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII của Đảng - ảnh 1 Quang cảnh phiên họp. - Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban văn kiện chủ trì phiên họp Đại hội 13, nhấn mạnh tầm quan trọng của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng dự kiến tổ chức vào tháng 1/2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng có ý nghĩa định hướng tương lai, động viên toàn đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, bảo vệ vững chắc tổ quốc và tới năm 2030 Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng việc chuẩn bị các văn kiện của Đại hội phải được thực hiện một cách khoa học, chu đáo, đặc biệt là báo cáo chính trị, báo cáo trung tâm của Đại hội có ý nghĩa quan trọng để bảo đảm sự thành công của Đại hội. Các báo cáo trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng phải thể hiện sự kiện định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới, kiên định vai trò lãnh đạo của Đảng, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tư tưởng chỉ đạo là phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiên định và đổi mới, đổi mới nhưng vẫn kiên định mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Về phương pháp, cách làm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải phát huy tối đa dân chủ, lắng nghe các ý kiến đóng góp, thu hút kết tinh tối đa trí tuệ tập thể, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, trong nhân dân. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu