Phát huy những giá trị văn hóa, tạo nguồn lực nội sinh để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước

Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra sáng 24/11 Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại hội nghị. Cùng dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Phát huy những giá trị văn hóa, tạo nguồn lực nội sinh để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước - ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc. Ảnh: VOV

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động, sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử của dân tộc; hình thành những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững: yêu nước, cần cù, dũng cảm, tài trí, lạc quan, hòa hiếu và khoan dung. Sau 35 năm đổi mới đất nước, các tầng lớp xã hội quan tâm đến giáo dục con người toàn diện. Các giá trị đạo đức truyền thống được giữ gìn, phát huy, đổi mới theo hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Việt Nam luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nói sâu sắc, ngắn gọn như Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi"! Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hoá tốt đẹp của Dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hoá của thế giới, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao”.

Nêu rõ phát triển văn hoá là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, các bộ ngành địa phương, toàn Ngành văn hoá tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hoá, sức mạnh và tinh thần cống hiến của toàn thể nhân dân Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hoá gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hoá, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để cả hệ thống chính trị của đất nước thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu